NHÌN THẲNG

Có nên mua nhà, đất cá độ bóng đá?

  • Tác giả : ThS.LS Trần Kim Thọ
Việc mua nhà đất của người thua cá độ cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý liên quan. Vì vậy, để hạn chế rủi ro người mua cần lưu ý:

Hỏi: Sau mùa World Cup, một số người bạn rủ tôi mua nhà, đất của người cá độ bóng đá, với giá khá mềm. Vậy có nên mua nhà, đất của các đối tượng này hay không? Những rủi ro gặp phải nếu mua?

Đỗ Huy Phương (Hà Nội)

Có nên mua nhà, đất cá độ bóng đá? ảnh 1

Có nên mua nhà, đất cá độ bóng đá?

Trả lời: Theo quy định hiện hành tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung NĐ 151/2018, hoạt động cá độ bóng đá nhằm mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật khi không tuân thủ quy định pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật, người có hành vi cá độ trái phép, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Thực tế hoạt động cá độ bóng mặc dù đã được triệt phá, xử lý hình sự nhưng vẫn diễn ra trên nhiều hình thức khác nhau và trường hợp người cá độ bị thua có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như phải bán nhà, bán đất, bán xe cộ…

Việc mua nhà đất của người thua cá độ cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý liên quan như: xác nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu hoặc vướng vào những tranh chấp không đáng có với những người thứ ba...Vì vậy, để hạn chế rủi ro người mua cần lưu ý:

1.Nhà, đất phải có giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng) mới chuyển nhượng, sang tên được.

2. Phải được sự đồng ý của vợ, chồng nếu là tài sản chung: Trường hợp nhà, đất là tài sản chung thì khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở phải có sự đồng ý của vợ/chồng bằng văn bản.

3. Nhà đất của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên đồng ý: Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký tên. Đồng thời, chỉ được thực hiện nếu được tất cả các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

4. Phải sang tên Sổ đỏ thì chuyển nhượng mới có hiệu lực: Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, khi chuyển nhượng nhà đất phải đăng ký biến động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng nhà đất có hiệu lực phải đăng ký biến động (đăng ký sang tên), nếu không đăng ký sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng phải đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai (phải sang tên) và chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

5. Hồ sơ, thủ tục sang tên giấy chứng nhận (sổ đỏ/sổ hồng)

Muốn hoàn tất việc chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục sang tên theo đúng quy định, gồm các bước sau:

Bước 1: Công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng

Bước 2: Đăng ký biến động (khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính, đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai).

ThS.LS Trần Kim Thọ (Giám đốc Công ty Luật Phụng sự Công lý)

ThS.LS Trần Kim Thọ