Ngân hàng

Cổ đông ngân hàng được mùa cổ tức “giấy”

  • Tác giả : Đào Vũ
(khoahocdoisong.vn) - Cổ tức vẫn luôn là quan tâm chủ chốt của các cổ đông khi tham dự đại hội thường niên. Mùa đại hội năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng chỉ nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhận cổ tức “giấy” hoặc không

Tại cuộc họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên hôm 13/6, ngân hàng HDBank đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ lên tới 65%, mức chia cao nhất của các ngân hàng trong năm nay.

Cụ thể, dựa trên mức lợi nhuận sau thuế hơn 4.020 tỷ đồng trong năm 2019, sau khi trích lập các quỹ, cộng với phần lợi nhuận giữ lại của các năm trước, HDBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành thêm 15% cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần để tăng vốn điều lệ. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng hơn 6.200 tỷ đồng, lên hơn 16.000 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng có tỷ lệ chia khá cao đó là ACB. Theo đó, ngân hàng này thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ ngân hàng tăng 5.000 tỷ đồng và đạt mức 21.600 tỷ đồng. Dự kiến đợt chia sẽ thực hiện trong quý 4/2020.

Loạt các ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay nhưng với tỷ lệ thấp hơn có thể kể đến như TPBank, Vietcombank, MBBank, SHB, OCB…

Tuy nhiên, cũng còn một số ngân hàng lựa chọn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức. Trong đó, VPBank có lợi nhuận chưa phân phối năm 2019 là 7.000 tỷ đồng nhưng lãnh đạo ngân hàng dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu mà muốn giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu.

Theo ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch VPBank, đây được coi là sự đánh đổi, bởi mục tiêu chung là phải tăng trưởng liên tục để đảm bảo thị phần cũng như các chỉ số an toàn nên không thể đáp ứng việc chia cổ tức đều đặn hàng năm.

Tương tự, MSB cho biết lợi nhuận ngân hàng này đang để lại còn gần 900 tỷ đồng, nhưng cổ tức sẽ được chia vào năm 2021. Ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch MSB lý giải, nếu chia cổ tức thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động.

“Bên cạnh đó, ngân hàng chưa xử lý dứt điểm nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thể được chia cổ tức” - ông Quang cho biết.

Nên vui hay nên buồn

Như vậy, mùa Đại hội cổ đông ngành ngân hàng năm nay có một điểm chung thể hiện rất rõ là cổ đông thường nhận cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc không nhận được gì. 

Thực ra, trong nhiều năm trước, điểm chung trên vẫn đều được thể hiện. Thậm chí, những lý do để chỉ phải chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia cũng vẫn được các lãnh đạo ngân hàng nhắc lại như tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu, nhờ đó có điều kiện tăng hạn mức tín dụng, các chỉ số an toàn bảo đảm, huy động vốn tốt hơn, lợi nhuận cải thiện hơn, chưa giải quyết xong trái phiếu VAMC, chưa hoàn tất tái cơ cấu…

Song, khác biệt năm nay ở chỗ không còn những chấm điểm vài trường hợp trả cổ tức bằng tiền mặt. Bởi lẽ, tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường, phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Trong mắt chuyên gia tài chính và lãnh đạo các ngân hàng thì yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý vì diễn biến dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2020, đặc biệt là trong bối cảnh phải giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ. Nhưng điều này đồng nghĩa việc cổ đông có thêm một năm để bâng khuâng về cổ tức.

Theo nhà đầu tư, sau một năm kinh doanh, họ đều mong muốn thu lợi bằng tiền mặt hơn là nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Vì họ hiểu rằng, về bản chất, cổ tức bằng cổ phiếu chính là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu và nó không hề phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào.

Giả sử, một doanh nghiệp thông báo sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và thị giá trên sàn chứng khoán đang là 10.000đ/cổ phiếu. Như vậy, mỗi cổ phiếu cũ có giá 10.000đ sẽ được tách thành 1,2 cổ phiếu mới với thị giá chỉ còn 8.300đ. Nói cách khác là cổ phiếu đã bị pha loãng.

KH&ĐS trao đổi thêm với một vị chuyên gia tài chính, vị này cho rằng, doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu không hẳn là không tốt. Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong thị trường giá lên, chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến thị giá giảm, tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn cho những nhà đầu tư có nhu cầu giải ngân. Cung tăng phần nào đó giúp cho thị giá tăng, tổng tài sản của cổ đông cũng tăng.

Ở khía cạnh khác, ngành ngân hàng năm 2020 phải chịu nhiều tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Đa số đều nhận thức rất rõ khó khăn nên mục tiêu kinh doanh đã được điều chỉnh. Việc tái cơ cấu hệ thống mới chỉ đạt được một số thành tựu bước đầu như nâng cao năng lực tài chính, giải quyết phần nào nợ xấu thì nay lại phải đối mặt với những khó khăn mới từ dịch bệnh mang lại.

“Nợ xấu cũ chưa giải quyết xong, nợ xấu mới đã ập tới sẽ tạo gánh nặng lên lợi nhuận năm 2020 và việc chia cổ tức e rằng sẽ còn khó khăn hơn. Vì vậy, cổ đông hãy cứ vui vì được nhận cổ tức lúc này” - chuyên gia này nhận xét.

Đào Vũ