Thời sự

Chuyên gia mách những loại thực phẩm bệnh nhân ung thư không nên dùng

  • Tác giả : Thúy Nga
Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bệnh ung thư nhưng đa phần bệnh nhân do thiếu hiểu biết, lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát nên không dám ăn uống. Vì vậy cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Ung thư đang trở thành một gánh nặng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Bệnh nhân ung thư sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, sức khỏe giảm sút, chính vì thế, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đa phần bệnh nhân do thiếu hiểu biết, lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát nên không dám ăn uống, chế độ ăn thực dưỡng dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như không đủ sức khỏe để điều trị bệnh ung thư. Một kế hoạch thực đơn dinh dưỡng hoàn chỉnh sẽ góp phần tăng thể lực, sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh ung thư, chúng ta cần phải lưu ý một số điều sau:

Nhu cầu dinh dưỡng

Tiêu thụ năng lượng ở người bệnh ung thư rất lớn, nhu cầu tối thiểu cần đạt 25-30kcal/kg/ngày. Trong một số trường hợp có thể phải lên đến 40-50kcal/kg/ngày trong đó:

- Protein: 1,2- 1,5g/kg/ngày, chiếm 15-20% tổng năng lượng. Protein động vật chiếm 30-50% tổng số protein.

- Lipid: 18-25% tổng năng lượng.

- Glucid: 60-70% tổng năng lượng.

- Vitamin, khoáng chất và chất xơ: ăn theo nhu cầu của người bình thường khỏe mạnh.

- Nước: 2-3 lít mỗi ngày.

Kiêng thịt đỏ và thực phẩm giàu protein có kìm được khối u phát triển?

Người bệnh thường quan niệm thịt đỏ và các thực phẩm giàu protid ( như sữa, trứng…) sẽ làm cho khối u phát triển nhanh hơn, bởi vậy dẫn tới tình trạng hạn chế hoặc kiêng khem đối với các loại thực phẩm này. Tuy nhiên đó là một quan niệm sai lầm. Các bằng chứng khoa học không ủng hộ quan điểm này.

Protid là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị, là nguyên liệu bồi phụ lại khối cơ của cơ thể đã mất do quá trình dị hóa, nó còn giúp tăng khả năng ngon miệng trong khi người bệnh luôn chán ăn, ăn uống kém.

Eicosapentaenoic Acid – EPA là một acid béo không no chuỗi dài Omega-3 giúp cải thiện cảm giác ngon miệng, lượng thực phẩm ăn vào và khối lượng ở những người bệnh ung thư tiến triển, người bệnh có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Bổ sung EPA làm ức chế các Cytokine gây viêm, giảm các rối loạn chuyển hóa trong hội chứng suy mòn. Dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, giàu protid giúp người bệnh không suy mòn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các thực phẩm nên dùng

- Các loại thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...

- Gạo, miến, bún, các loại rau củ…

- Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng…)...

- Ăn nhiều rau xanh, quả chín nhiều chất xơ.

- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu Omega-3: cá hồi, dầu oliu…

- Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, Selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, giá đỗ, cà chua, rau ngót, …

- Ăn nhiều rau củ quả, hạt ngũ cốc toàn phần.

- Thịt động vật: nên ăn các loại thịt màu trắng ( cá, gia cầm, chim), hạn chế thịt màu đỏ: 100g/ngày

Các thực phẩm hạn chế hoặc không nên dùng

- Hạn chế các thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao, không nên ăn các loại cháy, các thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói: lạp sườn, xúc xích, thịt nguội…

- Hạn chế các chất kích thích rượu, bia, thuốc lá…

- Ăn giảm muối.

- Không dùng dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.

- Không dùng thực phẩm bị hư hỏng đặc biệt các loại thực phẩm bị mốc bởi một số chất gây ung thư đáng chú ý nhất là aflatoxin và nitrosamin có mặt trong các loại thực phẩm này.

Afflatoxin là độc tố do mốc aspergillus flavous tạo ra, gặp ở thực phẩm bị mốc do điều kiện bảo quản không hợp lý. Afflatoxin là độc tố gây ung thư gan ở người. Nitrosamin được hình thành ở ruột non do sự kết hợp giữa nitrit và các acid amin.

Các nitrit thường có một lượng nhỏ trong thực phẩm, mặt khác một số ít người còn dùng bảo quản thịt, cá và các thực phẩm được chế biến sẵn chống ôi thiu, trong dưa cà khú hỏng.

Vì vậy việc giám sát liều lượng cho phép các chất phụ gia này là rất cần thiết. Nhiều loại phẩm màu và chất gây ngọt cũng có khả năng gây ung thư, do vậy các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cần tuân thủ một cách chặt chẽ.

Có thể nói, điều trị bệnh ung thư là một quá trình lâu dài đòi hỏi người bệnh có một sức khoẻ tốt, vì vậy một chế độ ăn uống phù hợp đủ dinh dưỡng và năng lượng là điều vô cùng quan trọng để người bệnh ung thư đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị.

BS Nguyễn Quỳnh Tú (Khoa A6D-Ung thư tổng hợp, Viện Ung thư – Bệnh viện TWQĐ 108)

Thúy Nga