KINH TẾ

Chuyển đổi số – Xu thế tất yếu của ngành du lịch

  • Tác giả : Thiên Ân
Chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn.

Đây là lời phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho Du lịch Việt Nam cất cánh sáng ngày 18/5. Với nội dung trọng yếu là “chyển đổi số: Động lực phát triển bền vững”.

pho-tong-cuc-truong-tong-cuc-du-lich-nguyen-le-phuc.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc

Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam.

Thứ hai, thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp.

Tiếp đó là ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19”.

Thứ tư, hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh. Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng hệ thống vé điện tử hiện đại để nâng cao năng lực quản lý cũng như cải thiện chất lượng đón và phục vụ khách tham quan.

Cuối cùng là hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

chuyen-doi-so-nganh-du-lich.png
Chuyển đổi số là động lực phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam

Ngoài ra, ông Phúc cũng nhấn mạnh chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Tiếp tục hoàn thiện các Đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.

Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch gồm có: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.

Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số.

(7) Đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch.

(8) Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.

Thiên Ân