Dữ liệu y khoa

Chụp X-quang nhiều lần có gây ung thư?

  • Tác giả : T.Nga (ghi)
Để giảm phơi nhiễm với bức xạ tia X-quang: Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ, chỉ chụp X-quang khi thực sự cần thiết, không lạm dụng chỉ định

Hỏi: Sau Covid-19, tôi thường ho, khó thở chụp phổi thấy vết mờ nên thường xuyên chụp kiểm tra X-quang. Tôi rất lo không biết chụp X-quang nhiều lần có gây ung thư không? Có cách gì để giảm phơi nhiễm?

Đỗ Thị Hồng (Hà Nội)

xquang-co-ung-thu.jpg
Chụp X-quang nhiều lần có gây ung thư?

BS.NT Nguyễn Ngọc Trường Thi, Bệnh viện Phổi T.Ư: Người ta đã biết là bức xạ của tia X có thể gây ra quá trình ion hóa gây ra các đột biến gene có thể dẫn đến các bệnh ung thư. Liều bức xạ có thể tích lũy dần dần giữa các lần chụp và người ta cho rằng liều bức xạ càng cao thì nguy cơ gây ung thư càng lớn. Vậy liều bức xạ bao nhiêu có thể gây tăng nguy cơ ung thư?

Theo các nghiên cứu từ những người sống sót sau các vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản, liều bức xạ > 100mSV làm tăng nguy cơ ung thư rõ ràng. Các dữ liệu về khoảng liều bức xạ từ 10 – 100mSV (mili si vớt) có gây tăng nguy cơ ung thư hay không còn chưa rõ ràng. Có nghiên cứu thì bảo có, một số nghiên cứu khác thì bảo không. Với khoảng liều < 10mSV, chưa có nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá nguy cơ gây tăng ung thư và người ta cho rằng với khoảng liều này là an toàn.

Một điều thú vị là trong môi trường sống của chúng ta luôn có bức xạ tự nhiên. Người ta tính toán trung bình 1 người phơi nhiễm với 3mSV/năm, tương đương với 0.01mSV/ngày. Trong khi đó, bức xạ trong 1 lần chụp phim X-quang khoảng 0.1mSV, tương đương với 10 ngày phơi nhiễm với bức xạ tự nhiên. Và để đạt đến ngưỡng gây tăng nguy cơ ung thư rõ ràng 100mSV, cần phải chụp 1.000 lần trong suốt cả cuộc đời. Điều này gần như là bất khả thi. Kể cả kiểm tra sức khoẻ định kỳ 2 lần/năm thì cùng lắm 1 người chụp 200 lần là cùng.

Để giảm phơi nhiễm với bức xạ tia X-quang: Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ, chỉ chụp X-quang khi thực sự cần thiết, không lạm dụng chỉ định; Phụ nữ mang thai nếu cần chụp phải mặc áo chì che bụng; Các tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh ngày càng giúp làm giảm liều bức xạ trong khi hình ảnh phim vẫn rõ nét.

T.Nga (ghi)