Khoa học & Công nghệ

Chiếu xạ diệt khuẩn vải thiều để xuất khẩu

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Đang vào mùa vụ vải, Trung tâm Chiếu xạ Hà nội cũng đang tấp nập chiếu xạ vải để xuất khẩu. Vải chiếu xạ với liều lượng cho phép, không bị nhiễm xạ, có thể bảo quản lâu hơn do vi khuẩn đã bị tiêu diệt.

Vào mùa vụ vải, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cũng đang tấp nập chiếu xạ vải để xuất khẩu. Vải chiếu xạ với liều lượng cho phép, không bị nhiễm xạ, có thể bảo quản lâu hơn do vi khuẩn đã bị tiêu diệt.

Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, từ đầu mùa, Trung tâm chỉ chiếu xạ vải để xuất khẩu bằng đường biển với số lượng khoảng 30 tấn. Trong khi năm ngoái, vải có thể xuất khẩu qua đường hàng không nên nhu cầu chiếu xạ lớn. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là cơ sở chiếu xạ thứ ba được Australia công nhận sau hai cơ sở ở TPHCM. Hiện Trung tâm này có thể xử lý chiếu xạ 50 tấn hoa quả tươi mỗi ngày.

Quy trình để quả vải có thể xuất khẩu sang các nước phát triển khá khắt khe. Theo đó, vải phải được thu hoạch vào sáng sớm, sơ chế, sàng lọc kỹ lưỡng trước khi chuyển đến Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Tại đây, đội bảo vệ thực vật sẽ lấy ngẫu nhiên các quả vải để kiểm tra, đạt tiêu chuẩn mới đưa vào chiếu xạ. 

Không ít người băn khoăn về ảnh hưởng phóng xạ do sử dụng thực phẩm chiếu xạ đến sức khỏe người dùng. Ông Đặng Quang Thiệu cho biết, quy trình chiếu xạ thực hiện như sau: Một hộp đựng các vật phẩm cần chiếu xạ (hoa quả, thực phẩm hay các vật liệu cần nghiên cứu khác) được kéo qua một buồng chiếu xạ bằng băng chuyền. Tùy theo loại vật phẩm và mục đích chiếu xạ, liều chiếu hay thời gian chiếu được xác định trước, đồng thời được đo bởi các liều kế gắn với các hộp chứa vật phẩm. Như vậy, các vật phẩm không hề tiếp xúc với chất phóng xạ Co-60, chỉ được lướt qua chùm tia phóng xạ tương tự đi qua một luồng ánh sáng rộng trong một khoảng thời gian định trước.

Nếu biện pháp đông lạnh chỉ có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật thì chiếu xạ gây tổn thương tính di truyền (phân tử AND) làm mất khả năng sinh sản của vi sinh vật, kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Quá trình tương tác giữa bức xạ và thực phẩm chỉ tạo ra một lượng nhiệt không đáng kể nên chiếu xạ diệt được vi khuẩn nhưng không làm chín, không làm mất các chất dinh dưỡng và không làm biến dạng bao gói thực phẩm bằng plastic...

Hà Bình