Thời sự

Chỉ 4 tiếng trẻ 17 tháng bị tay chân miệng đã chuyển nguy kịch

  • Tác giả : Thúy Nga
Một em bé mắc bệnh tay chân miệng, chỉ sau 4 tiếng đã chuyển từ độ 3 kịch tính lên độ 4 nguy kịch. Cần chú ý dấu hiệu chuyển biến xấu để đi viện cấp cứu kịp thời.

Sau 4 tiếng đã phải thở máy và lọc máu liên tục

Sáng 8/6, Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM thông tin đang cấp cứu cho trẻ nguy kịch do bệnh tay chân miệng tiến triển nhanh.

Chỉ 3 ngày sốt, ói và điều trị phòng khám tư chưa đỡ, ngày 4 em bé 17 tháng sốt cao khó hạ, giật mình chới với nhiều cơn. Từ Trà Vinh chuyển lên mạch em đã đập lên trên 200 lần/phút, suy hô hấp và da bông tái. Từ Độ 3 tiến triển kịch tính lên độ 4 chỉ sau 4 tiếng chuyển viện, em được đặt nội khí quản, thở máy, nhanh chóng thiết lập lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokin gây sốt cao lên 40-41 độ C.

Chỉ 4 tiếng, trẻ 17 tháng bị tay chân miệng đã chuyển nguy kịch đang điều trị tại BV Nhi Đồng TP HCM

Chỉ 4 tiếng, trẻ 17 tháng bị tay chân miệng đã chuyển nguy kịch đang điều trị tại BV Nhi Đồng TP HCM

Hiện bé đang đáp ứng dần với những biện pháp hồi sức tích cực kịp thời ban đầu, và đang được điều trị cách ly theo dõi sát tại khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc.

Các bác sĩ cảnh báo, tay Chân Miệng năm nay biến chuyển rất nhanh, phức tạp và khó lường khi trẻ mắc. Virus gây bệnh lại chưa có vaccine phòng bệnh, độc tính thần kinh cao nếu mắc chủng EV71, hoang dại và dễ trở nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, tay chân miệng đã trở nên quá quen thuộc, chỉ xin nhắc nhớ các bậc phụ huynh tái khám đúng hẹn, theo sát các trường hợp sốt cao, run yếu tay chân hay ngủ giật mình. Bởi bọn trẻ hoàn toàn có thể trở nặng ngay cả khi vẫn còn chơi trước đó, và một khi nặng là biến chuyển rất nhanh, phức tạp.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, bệnh Tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.

Trẻ mắc bệnh thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

Những biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TƯ cảnh báo, các virus thuộc nhóm enterovirus là nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus coxsackievirus A 16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, năm nay nhiều trường hợp do các virus enterovirus 71 (EV 71) với rất nhiều nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong.

Biểu hiện tay chân miệng

Biểu hiện tay chân miệng

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm khoảng từ 2 – 5 ngày của bệnh (trong giai đoạn toàn phát).

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh là: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu hết các trẻ có thể phục hồi hoàn toàn từ 3 – 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.

Biểu hiện biến chứng thần kinh gồm: viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy, với những biểu hiện: Rung giật cơ (giật mình chới với): cơ giật từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu vào giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa;

Bứt rứt, ngủ gà, chới với, run chi, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược;

Rung giật nhãn cầu; Tăng trương lực cơ;

Yếu, liệt chi; Liệt dây thần kinh sọ não; Hôn mê biến chứng nặng, thường kèm theo suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Biến chứng tim mạch, hô hấp gồm: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim và trụy mạch: mạch nhanh (trên 150 lần/phút); thời gian làm đầy mao mạch chậm (trên 2 giây); Biểu hiện rối loạn vận mạch, da nổi tím, đổ mồ hôi, tứ chi lạnh, có thể khu trú tại một vùng cơ thể (tay hoặc chân);

Huyết áp tăng cao ở giai đoạn đầu (chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 110 mmHg (đối với trẻ dưới 1 tuổi), ≥ 115 mmHg (đối với trẻ từ 1 - 2 tuổi), ≥ 120 mmHg (đối với trẻ trên 2 tuổi).

Giai đoạn sau: Không đo được mạch và huyết áp; Khó thở: Bệnh nhi thở nhanh, nông, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, không đều;

Phù phổi cấp: Trẻ sùi bọt hồng, khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.

Ba dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời:

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon. Đây là tình các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.

Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Thúy Nga