Dữ liệu y khoa

Chế độ ăn cho trẻ theo lứa tuổi

  • Tác giả : BS Tiến Văn
(khoahocdoisong.vn) - Bữa ăn bổ sung của trẻ tùy theo độ tuổi phải đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu từ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm glucid, protein, lipid, vitamin và chất khoáng.

Ăn đủ nhu cầu, cân đối các chất dinh dưỡng giúp cho trẻ phát triển tốt, ngược lại nếu trẻ ăn thiếu hoặc dư thừa sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, thể thừa cân béo phì, đồng thời với chế độ ăn nhiều chất đạm, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn tiêu hóa, gây phân sống, tiêu chảy.

Khi chế biến thức ăn cho trẻ phải phù hợp theo từng lứa tuổi. Với trẻ dưới 12 tháng, các loại thức ăn cần xay thành bột, thái nhỏ, nghiền nát, nấu kỹ cho dễ tiêu. Khi trẻ trên 12 tháng và có đủ răng hàm cần cho trẻ ăn thô hơn để tập cho trẻ ăn nhai. Trẻ từ 6 - 7 tháng cho trẻ ăn thịt, trứng; từ 7 - 8 tháng tập cho trẻ ăn cá, tôm, cua, đậu đỗ, vừng, lạc...; từ 9 tháng có thể tập cho trẻ ăn tất cả các loại thức ăn giống người lớn.

Chế độ ăn cho trẻ từ 2 - 3 tuổi: Chuyển từ chế độ ăn cháo sang ăn cơm nát, nhưng vẫn phải cho ăn thêm cháo mỳ, súp, phở và uống sữa, trẻ vẫn cần có chế độ ăn riêng. Số bữa ăn trong ngày: 4 bữa cơm nát (cháo, mỳ, súp), sữa: 300 - 500ml/ngày.

Lượng thực phẩm trong một ngày: Gạo tẻ 150 - 200g (nếu nấu bún, mỳ, súp thì rút bớt gạo đi); thịt (cá, tôm): 120 - 150g; dầu mỡ: 30 - 40g; rau xanh: 150 - 200g; quả chín: 200g.

Chế độ ăn cho trẻ từ 3 - 5 tuổi: Số bữa ăn hằng ngày giống như cho trẻ từ 2 - 3 tuổi (4 bữa) nhưng lượng ăn phải tăng lên. Ở lứa tuổi này nên cho trẻ ăn các món mà trẻ yêu thích. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín ngọt trước mỗi bữa ăn. Lượng thực phẩm hằng ngày dùng cho trẻ: gạo tẻ: 200 - 300g; thịt (cá, tôm): 150 - 200g; dầu, mỡ: 30 - 40g; rau xanh: 200 - 250g; quả chín: 200 - 300g; sữa: 300 - 500ml.

Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng theo từng lứa tuổi, nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh.

Chăm sóc và nuôi dưỡng khi trẻ ốm: Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trước, trong, sau khi bị ốm rất quan trọng vì nó sẽ làm cho bệnh mau khỏi, mau phục hồi sức khỏe và tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật. Khi trẻ bị ốm: Sốt, tiêu chảy... thì nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần nhiều hơn bình thường, trong khi đó một số bà mẹ lại có quan niệm sai lầm bắt trẻ phải ăn kiêng khem như không cho trẻ bú, không cho trẻ ăn dầu hoặc mỡ, không cho trẻ ăn chất đạm, không cho trẻ ăn rau xanh, chỉ cho trẻ ăn bột ngọt (đường)... vì sợ trẻ đi ngoài nhiều hơn. Trẻ bị sốt sẽ mất nước, nhưng không bù nước cho trẻ và uống nước oresol, bắt trẻ ăn kiêng... Sau khi khỏi bệnh, không cho trẻ ăn nhiều hơn để trẻ mau chóng phục hồi sức khỏe. Chế độ ăn uống kiêng khem, bữa ăn của trẻ mất cân đối không đủ chất, chính vì vậy trẻ dễ bị nguy cơ suy dinh dưỡng.

BS Tiến Văn (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng)

BS Tiến Văn