Y học và đời sống

Cây la rừng chữa đau đầu do thay đổi thời tiết

  • Tác giả : BS Khánh Hiển
Cây la rừng có tác dụng an thần, giảm đau, giảm căng thẳng, hạ huyết áp... nên khi đau đầu có thể lấy lá đắp 2 bên thái dương.

La rừng còn có tên gọi khác: Cây ngoi, cây cà hôi, cà lông, chìa bôi… mọc nhiều ở miền núi và trung du nước ta. Cây có cành, lá phủ một lớp lông mỏng nên mới có tên gọi cà lông, lá cây khi vò nát có mùi giống hồng bì.

cay-la-rung-1(1).png
Cây la rừng.

Toàn cây gồm, lá, thân và rễ đều dùng làm thuốc. Cây được thu hái quanh năm, lá tươi hái về rửa sạch để làm thuốc. Thân và rễ khi chặt về đem thái miếng mỏng phơi khô để bảo quản dùng dần trong năm.

Trong thành phần của la rừng có chứa nhiều solasonin, solasodin, solaverin…, có tác dụng an thần, giảm đau, giảm căng thẳng, hạ huyết áp…

Theo dược học cổ truyền, la rừng vị cay, tính bình, có công dụng sát trùng, tiêu thũng, cầm máu, chỉ thống.

Để chữa chứng đau đầu do thay đổi thời tiết có thể lấy một nắm lá la rừng, giã nát rồi đắp lên hai bên thái dương, dùng băng dán cố định, giữ trong 2 giờ mỗi ngày, làm liên tục 5-7 ngày.

Theo kinh nghiệm dân gian Malaysia, người ta cũng dùng lá la rừng giã nát nhưng đắp lên trán, lưu 1-2 giờ. Chưa có kinh nghiệm nào dùng đường sắc uống. Cần chú ý nghiên cứu thêm.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BS Khánh Hiển