Pháp luật

Cảnh báo tình trạng rao bán tiền giả trên mạng xã hội

  • Tác giả : Thụy Bình
Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào, số lượng tiền giả bao nhiêu... đều là hành vi vi phạm pháp luật.
tien-gia-1(1).png
Hình ảnh các trang mạng xã hội quảng cáo, rao bán tiền giả.

Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về tình trạng rao bán tiền giả trên mạng xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp, đề nghị người dân tuyệt đối không tham gia.

Theo Bộ Công an nhận định, những nội dung quảng cáo rao bán tiền giả đã lôi kéo một số người mua bán, tiêu thụ, làm nảy sinh động cơ phạm tội, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự.

Cụ thể, các đối tượng thường sử dụng tài khoản facebook, zalo, trang fanpage… đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai trên không gian mạng với đủ mệnh giá.

Nhiều đoạn phim, ảnh chụp quảng cáo được đưa lên để tạo niềm tin với người tiêu dùng, với những nội dung như: “Mua 1 triệu đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả”, “tiền giả giống tiền thật đến 99%”, “tiêu dùng thoải mái không lo phát hiện”… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Để che mắt cơ quan chức năng, các đối tượng mua, bán tiền giả thường giao dịch qua tài khoản mạng xã hội; sử dụng tài khoản ảo, sim rác nhằm ẩn nhân thân, lai lịch.

Tháng 1/2022, Công an TPHCM đã phát hiện, bắt giữ 4 đối tượng cùng ngụ tại huyện Hóc Môn có hành vi rao bán tiền giả. Từ tháng 3/2022 - 4/2022, Công an tỉnh Bến Tre khởi tố 4 bị can khác để điều tra hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả, triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả lớn...

Bộ Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, vì đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Khi phát hiện tiền giả và các hành vi như làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, đề nghị người dân thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng (công an, biên phòng, hải quan…); đồng thời, giao nộp tiền giả cho các cơ quan chức năng nêu trên hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 - 12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Thụy Bình