Trong nước

Cân nhắc việc hút cát biển làm cao tốc

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Kỹ sư Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) - bày tỏ lo ngại với giải pháp lấy cát biển đắp nền cao tốc vì trái với quy luật tự nhiên.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn thiếu vật liệu san nền cho các dự án hạ tầng giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II (2021-2025), nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã bàn về một số vấn đề thực tiễn trong sử dụng vật liệu xây dựng khi xây dựng đường bộ cao tốc.

Thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà khoa học cũng đang nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như: Cát biển, tro xỉ nhiệt điện; hay nghiên cứu sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp để tận dụng được khả năng cung cấp với khối lượng lớn xi măng, sắt thép trong nước.

Kỹ sư Tống Văn Nga cho rằng, nếu tiếp tục giải pháp hút cát lòng sông, lấy đất đắp nền cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ để lại nhiều hậu quả.

Thứ nhất, có nguy cơ hạ thấp lòng sông làm giảm lượng phù sa của đồng bằng, ảnh hưởng tới vựa lúa của cả nước.

Thứ hai, việc đắp nền cao tốc cao cản trở thoát lũ của đồng bằng.

Thứ ba, nếu chỉ thực hiện giải pháp đắp nền cao tốc bằng cát sông sẽ làm cho tình trạng khan hiếm vật liệu trong vùng nghiêm trọng hơn.

Thứ tư, nếu tiếp tục theo lối mòn hút cát sông đắp nền cao tốc, sẽ ảnh hưởng tiến độ các dự án cao tốc, quốc lộ.

Theo ông Nga, cần học kinh nghiệm của thế giới trong phát triển cao tốc, đó là xây dựng cầu cạn cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung. Về điều kiện kỹ thuật hiện nay, Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ xây dựng cầu cạn cao tốc.

Ông Nga bày tỏ lo ngại với giải pháp lấy cát biển đắp nền cao tốc vì trái với quy luật tự nhiên. Nhiều nước trên thế giới còn mua cát về để tôn tạo các đảo, mở rộng bờ cõi, chúng ta lại hút cát biển làm cao tốc để tạo xói mòn. Cứ làm kiểu này sẽ làm xói mòn nghiêm trọng bán đảo Cà Mau.

Thiên Tuấn