Vấn đề - Sự kiện

Cân nhắc quy định giải quyết khiếu nại đất đai hạn chế quyền công dân

  • Tác giả : Mai Loan
Góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc thêm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
Bất cập khi không giao UBND giải quyết tranh chấp đất đai
Theo ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho UBND giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi. Ngoài ra, sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.
Can nhac quy dinh giai quyet khieu nai dat dai han che quyen cong dan
Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ảnh: Chính phủ.
Lý do là vì, số lượng các tranh chấp đất đai hiện nay rất nhiều, chiếm một số lượng rất lớn trong xã hội, nếu nay giao hết cho Tòa án nhân dân giải quyết, thì sẽ không bảo đảm tính khả thi. Bởi đội ngũ thẩm phán, cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp hiện nay còn hạn chế về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động. Việc xét xử các vụ án, nhất là các vụ án dân sự trong thời gian vừa qua cho thấy phải qua các cấp xét xử, mất rất nhiều thời gian, có những vụ án dân sự phải giải quyết trong nhiều năm.
Thực tiễn cho thấy có nhiều tranh chấp đất đai giao cho cơ quan quản lý nhà nước (UBND) giải quyết thì hợp lý, hiệu quả hơn. Bởi các cơ quan này trực tiếp quản lý, giao đất, cho thuê đất, thanh tra, kiểm tra... nên họ nắm rất chắc tình trạng mảnh đất có tranh chấp, các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai. Trên cơ sở đó, họ đưa ra phương án giải quyết hợp lý, chính xác, thuyết phục, sẽ được các bên dễ chấp nhận.
Ngoài ra, việc giao cho Tòa án nhân dân giải quyết các tranh chấp đất đai, thì Tòa án sẽ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu vụ việc tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân tranh chấp, mảnh đất có tranh chấp và các vấn đề khác có liên quan. Còn các bên tranh chấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, chi phí nhiều, mất nhiều thời gian tham gia trong quá trình giải quyết, như thuê luật sư, tiến hành hòa giải, tham gia các phiên tòa, các hoạt động khác có liên quan…
Vì vậy, ông Đặng Đình Luyến đề nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải.
Nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của UBND, thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Không cần đến 3 lần hòa giải tranh chấp đất đai
Ông Đặng Đình Luyến dẫn Điều 224 của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trước khi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm, các bên có thể phải tiến hành hòa giải 3 lần, bao gồm: (1)Tự hòa giải, (2) Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã và (3) Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về hòa giải.
Theo ông Luyến, việc quy định về 3 lần hòa giải như dự thảo luật là không cần thiết, sẽ mất nhiều thời gian cho các bên tranh chấp và các cơ quan chức năng, kéo dài thời gian giải quyết, hiệu quả giải quyết không cao.
Thực tiễn cho thấy, khi phát sinh tranh chấp nếu các bên có thiện chí giải quyết thì chỉ một lần hòa giải, tranh chấp đất đai có thể được giải quyết ngay, còn nếu không có thiện chí thì hòa giải đến 3 lần cũng không thể giải quyết được.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định khi phát sinh tranh chấp đất đai, thì chỉ nên tổ chức hòa giải một lần (có thể tại UBND hoặc tại Tòa án nhân dân), nếu hòa giải không thành thì UBND, Tòa án nhân dân sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền như nêu tại mục 2 ở trên.
Quy định giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hạn chế quyền công dân
Góp ý về quy trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện về đất đai, ông Luyến cho biết, Khoản 3 Điều 226 của Dự thảo luật quy định “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính”.
“Tôi nhận thấy, quy định nêu trên của dự thảo luật là làm hạn chế quyền công dân, không được khiếu nại lần 2 lên cấp trên của người giải quyết khiếu nại lần đầu và quy định này không thống nhất với quy định của Luật khiếu nại”, ông Luyến cho hay.
Vì vậy, ông Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại Điều 226 của dự thảo luật nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật khiếu nại.
Cụ thể là: Người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Hội nghị “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến dóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học.

Từ ngày 03/01/2023 đến hết ngày 15/3/2023, Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.

Trong đó, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đóng góp về: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Giải thích từ ngữ; (3) Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; (5) Chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; (6) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

Mời quý độc giả xem video: "Nhiều sai phạm đất đai từ hơn 1.000 cuộc thanh tra". Nguồn: VTC1.
Mai Loan