Y học và đời sống

Cách xử lý khi tiêm insulin bị chảy ra khỏi chỗ tiêm

  • Tác giả : Thu Nga
Tiêm đủ liều insulin sẽ giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết. Nhưng nhiều trường hợp khi rút kim ra, một số bệnh nhân thấy vẫn có 1 giọt nhỏ insulin chảy ra và lo sợ không đủ liều. Vậy phải làm sao?

Hỏi: Tôi đã làm đúng theo hướng dẫn khi tiêm insulin nhưng khi rút kim tiêm thì vẫn thấy có 1 giọt insulin chảy ra. Xin hỏi, Điều này có đáng lo không và làm cách nào để hạn chế? Tiêm insulin thế nào cho đúng?

Nguyễn Thị Hạnh (Hà Nội)

Tiêm insulin bị chảy ra phải làm sao?

Tiêm insulin bị chảy ra phải làm sao?

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết- Đái tháo đường, bệnh viện Bạch mai cho biết, trong điều trị cho người bệnh đái tháo đường, insulin là thuốc cần thiết giúp kiểm soát đường huyết và được tiêm vào mô dưới da. Hiện nay, nhờ sự tiến bộ trong sản xuất insulin, người bệnh đái tháo đường cần tiêm insulin thường được bác sĩ hướng dẫn tự tiêm.

Tuy nhiên, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến không đạt được hiệu quả điều trị và gây một số biến chứng cho người bệnh.

Thực tế bác sĩ nhận thấy còn nhiều người bệnh sử dụng bút tiêm insulin không đúng gây ra nhiều hậu quả.

Người bệnh cần biết cách bảo quản insulin, nếu bảo quản sai sẽ khiến insulin mất tác dụng. Người bệnh cũng cần chú ý luân chuyển vị trí tiêm, tránh trường hợp loạn dưỡng mô mỡ ở vị trí tiêm, insulin sẽ không hấp thu được vào máu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng sai loại insulin, sai liều insulin còn có thể gây hạ đường huyết cho người bệnh đái tháo đường.

Tốt nhất, người bệnh chỉ nên sử dụng kim bút tiêm 1 lần, tránh tái sử dụng quá nhiều lần để giảm bị đau khi tiêm và hạn chế nguy cơ hình thành loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm.

Khi được sử dụng đúng cách, thuốc tiêm insulin sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết. Tuy nhiên, đôi khi dù đã giữ kim thêm 5-10 giây nhưng khi rút kim ra, một số bệnh nhân thấy vẫn có 1 giọt nhỏ insulin chảy ra.

Theo các nghiên cứu thì lượng insulin này là khá nhỏ và hầu như không ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Tuy nhiên để đảm bảo liều insulin được chính xác, hạn chế mất insulin, bạn có thể thực hiện như sau:

1. Nên đâm kim vuông góc với da

2. Sau khi đâm kim tiêm qua da, có thể bỏ véo da trước khi bơm insulin vào

3. Ấn đẩy insulin vào một cách từ từ

4. Sau khi tiêm xong, giữ kim tiêm thêm vài giây so với thông thường

5. Thay đổi vị trí tiêm thường xuyên.

Thu Nga