Dữ liệu y khoa

Các biện pháp thăm dò xác định bệnh động mạch vành

  • Tác giả : PGS.TS Phạm Mạnh Hùng
(khoahocdoisong.vn) - Với bệnh nhân có bệnh động mạch vành, triệu chứng đầu tiên thường là cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không đau ngực hoặc cơn đau không điển hình. Nếu nghi ngờ có bệnh mạch vành, bác sĩ có thể yêu cầu làm một số thăm dò để xác định bệnh.

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ là biện pháp đơn giản nhất để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành. Điện tâm đồ có thể có các biểu hiện thiếu máu cơ tim hay hoại tử cơ tim, các biến chứng của bệnh mạch vành như dày thành tim, giãn buồng tim rối loạn nhịp tim. Điện tâm đồ là một thăm dò không chảy máu, đơn giản, ít tốn kém, có thể tiến hành trong vòng 5 phút. Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp có bệnh mạch vành mà điện tâm đồ lại không biến đổi. Ngược lại, điện tâm đồ có thể biến đổi trong khi bạn lại không có bệnh mạch vành (trường hợp nữ giới, bệnh nhân béo phì, tăng huyết áp). Lưu giữ các điện tâm đồ cũ để so sánh và xác định những biến đổi mới cho phép nâng cao khả năng phát hiện bệnh mạch vành.

Siêu âm tim

Siêu âm tim đánh giá vận động các thành tim. Nếu bạn có bệnh động mạch vành, vùng cơ tim được cấp máu bởi nhánh mạch vành đó sẽ không được cấp đủ oxy. Vùng cơ tim đó sẽ có hiện tượng rối loạn vận động so với các vùng khác (có thể giảm vận động hoặc hoàn toàn không vận động). Siêu âm tim cũng là một thăm dò không chảy máu, tuy nhiên đòi hỏi phương tiện hiện đại (máy siêu âm) cũng như bác sĩ được đào tạo chuyên khoa. Mặt khác siêu âm tim thường chỉ phát hiện được bệnh mạch vành ở giai đoạn muộn khi bệnh đã gây ra các rối loạn vận động buồng tim.

Nghiệm pháp gắng sức

Nghiệm pháp gắng sức là biện pháp kinh điển để chẩn đoán bệnh mạch vành. Như chúng ta đã biết, khi nghỉ ngơi thì động mạch vành dù bị hẹp vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể. Khi phải gắng sức, nhu cầu oxy cơ thể tăng lên, và khi đó mới lộ ra các dấu hiệu thiếu máu cơ tim. Thầy thuốc có thể yêu cầu chạy trên thảm chạy, hoặc đạp xe tại chỗ với tốc độ tăng dần, hoặc họ sẽ truyền thuốc cho bạn để gây tình trạng gắng sức thực nghiệm... Tình trạng thiếu máu cơ tim khi gắng sức sẽ được ghi nhận và đánh giá bằng một số biện pháp như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, hoặc xạ hình cơ tim gắng sức. Qua đó, thầy thuốc đánh giá bạn có khả năng bị bệnh mạch vành hay không và mức độ như thế nào.

Thăm dò chẩn đoán hình ảnh

Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, như chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim, chụp phóng xạ tưới máu cơ tim ngày càng được ứng dụng rộng rãi để chẩn đoán sớm động mạch vành. Chụp cắt lớp vi tính đa dãy mạch vành đã khá phổ biến ở các trung tâm tim mạch lớn trong nước. Phim chụp sẽ cung cấp hình ảnh giải phẫu của mạch vành, cho biết mức độ vôi hóa mạch vành, nhánh mạch vành bị hẹp, mức độ hẹp, cũng như các bất thường giải phẫu khác.

Thông tim và chụp động mạch vành

Thông tim và chụp động mạch vành là biện pháp hiện đại nhất để chẩn đoán bệnh mạch vành. Thủ thuật này được tiến hành trong phòng tim mạch can thiệp với các thiết bị chụp mạch và màn huỳnh quang tăng sáng hiện đại. Qua đường động mạch quay hoặc động mạch đùi, bác sĩ sẽ đưa một ống thông lên tim của bạn vào nhánh động mạch vành. Qua ống thông đó bác sĩ sẽ tiêm một dung dịch đặc biệt là chất cản quang vào động mạch vành của bạn. Chất cản quang cho phép bác sĩ nhìn thấy hình dạng, kích thước mạch vành trên màn huỳnh quang, đánh giá vị trí hẹp và mức độ hẹp mạch vành. Chụp động mạch vành qua da là một biện pháp thăm dò chảy máu, tuy nhiên hoàn toàn không đau đớn (không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ) và rất hiếm gặp biến chứng.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp để xác định bệnh mạch vành đã nêu chỉ có thể đánh giá được bệnh lý mạch vành tại thời điểm thăm khám trong khi bệnh mạch vành là bệnh lý tiến triển liên tục theo thời gian, do vậy bạn cần lưu ý đi khám định kỳ, áp dụng các biện pháp phòng bệnh để kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành và tư vấn bác sĩ chuyên khoa tim mạch bất cứ khi nào có các biểu hiện nghi ngờ bệnh mạch vành.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Tổng Thư ký Hội Tim mạch Việt Nam)

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng