Sống xanh

Biết gì về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?

  • Tác giả : Thanh Bình
UNESCO nêu rõ, hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đáp ứng 5 tiêu chuẩn của một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là "Giá trị nổi bật mang tính toàn cầu".

Theo Cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ thời đại các Vua Hùng với niềm tin cả dân tộc có cùng chung giống nòi “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội (Tổ), đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn kết cộng đồng.

Cội nguồn sử Việt

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy nàng u Cơ - con gái Vua Đế Lai, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm con trai. Sau đó, 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang, được tôn làm Vua Hùng.

Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng dạy dân trồng lúa nước, chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần Mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Người dân nô nức trẩy hội Đền Hùng ở Phú Thọ. Ảnh: TTXVN.

Người dân nô nức trẩy hội Đền Hùng ở Phú Thọ. Ảnh: TTXVN.

Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân lập đền thờ tưởng niệm (khu di tích lịch sử Đền Hùng) mà trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh, lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm giỗ Tổ.

Từ trung tâm thờ tự đầu tiên này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra nước ngoài. Đất nước có lúc thịnh, lúc suy, có lúc bị giặc ngoại xâm thống trị, nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được các thế hệ duy trì đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.

Các sử liệu cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển mạnh từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428 - 1788). Các triều đại phong kiến Việt Nam rất chú trọng, khuyến khích người dân duy trì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhà Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn liên tục sắc phong cho các đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ, pháp điển hóa nghi thức thờ cúng, miễn thuế và cấp ruộng đất tại khu vực xung quanh đền để người dân canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ.

Đến nay, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm việc thờ cúng các Vua Hùng, cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy nhằm giáo dục thế hệ trẻ, công nhận ngày Giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch) là ngày nghỉ lễ để các tầng lớp nhân dân tham gia, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lúc 12h09 (giờ Paris, Pháp), tức 18h09 (giờ Việt Nam), ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Báo Phú Thọ, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam là một trong 35 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu chọn là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại UNESCO. Hồ sơ này nhận được sự đánh giá rất cao của Hội đồng chuyên gia. Những người thẩm định hồ sơ, đưa ra các kiến nghị có tính chất quyết định đối với UNESCO trong việc có công nhận hay không một di sản văn hóa phi vật thể.

Quyết định của UNESCO công nhận hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nêu rõ: Hồ sơ đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chuẩn để được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu.

Cụ thể, giá trị nổi bật của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Tính toàn cầu thể hiện ở chỗ, khi được UNESCO công nhận, Di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Bên cạnh đó, hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống”, thể hiện qua việc được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng người dân Việt Nam. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học.

Đền thờ Vua Hùng ở TP HCM. Ảnh: Quốc Lê.

Đền thờ Vua Hùng ở TP HCM. Ảnh: Quốc Lê.

Trong tiêu chí phân loại của UNESCO theo Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, một di sản có tính tiêu biểu tức di sản đó có thể là đại diện văn hóa cho không chỉ quốc gia, mà còn cả trong khu vực và UNESCO khuyến khích các quốc gia khác học hỏi từ di sản được vinh danh. Vì thế, việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là sự kiện có tầm vóc với văn hóa Việt Nam, mà còn tác động đến nỗ lực bảo tồn di sản khác trong khu vực.

Trên bình diện thế giới, mỗi dân tộc đều có bề dày lịch sử và văn hoá của dân tộc mình. Điều đó đã quyết định sức sống, sự phát triển và bản sắc văn hoá của từng dân tộc.

Dân tộc Việt Nam có bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Trong tâm linh và tình cảm của mình, những người dân đất Việt đều tin rằng: Cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của dân tộc và các vua Hùng có công dựng nên quốc gia Văn Lang - Nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Vua Hùng chính là nguồn gốc tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Biết ơn những bậc tiền nhân đã có công khai sơn phá thạch để xây dựng nước non này, cộng đồng dân tộc Việt tôn vinh Hùng Vương là Ông Tổ của mình để đời đời thờ phụng.

Cũng chính bởi vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc, đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên.

Từ ngàn đời nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là niềm tin thiêng liêng, sức mạnh gắn kết cộng đồng, điểm tựa tinh thần của người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước mà Bác Hồ đã tổng kết, khái quát thành chân lý của dân tộc và thời đại: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Thanh Bình