Y học và đời sống

Bệnh tay chân miệng: Dấu hiệu cần đi bệnh viện, cách chăm sóc trẻ tại nhà

  • Tác giả : Thu Hương (T/H)
Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ, gây ra những biến chứng liên quan đến phổi, tim, não, nặng nhất có thể gây tử vong.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

Tay chân miệng phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5. Trẻ em ở nhà trẻ, mẫu giáo, nơi tập trung nhiều trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bùng phát dịch tay chân miệng do bệnh lây qua tiếp xúc từ người sang người, và trẻ còn nhỏ nên sẽ là đối tượng dễ bị lây bệnh nhất. Trẻ em khi lớn lên thường miễn dịch với bệnh tay chân miệng vì các kháng thể được hình thành sau khi phơi nhiễm với vi-rút gây bệnh. Tuy nhiên, vẫn có khả năng thanh thiếu niên và người lớn cũng bị mắc bệnh này.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Quấy khóc liên tục kéo dài

Khi bị tay chân miệng, trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15 - 20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ khóc vì bị đau do các nốt lở loét trong miệng. Nhưng thực tế, đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

Sốt cao liên tục không hạ

Khi bệnh tay chân miệng trẻ em trở nặng, trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48h và không tác dụng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể trẻ dẫn đến nhiễm độc thần kinh. Khi đó, trẻ cần được 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt có chứa Ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ.

Hay giật mình

Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.

Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, khi có những biểu hiện nặng hơn cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị

Loét miệng: Xuất hiện các vết loét đỏ, phỏng nước có đường kính từ 2 – 3 mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi khiến trẻ bị đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt.

Các nốt phát ban dạng phỏng nước: Xuất hiện các bóng nước từ 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, ấn không đau; bóng nước vùng mông và gối xuất hiện trên nền hồng ban. Các nốt phát ban sẽ tồn tại khoảng 7 ngày và tự biến mất nhưng sẽ để lại vết thâm, không loét và ít khi bội nhiễm. Ngoài ra trẻ có thể bị sốt nhẹ, nôn trớ.

Chăm sóc trẻ tay chân miệng tại nhà

Đối với những trường hợp bị tay chân miệng ở thể nhẹ, phụ huynh có thể tự chăm sóc con tại nhà

Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.

Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B hoặc luộc nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng.

Vật dụng cá nhân của trẻ như bình sữa, ly/cốc uống nước, chén/bát ăn cơm… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.

Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Về thuốc điều trị: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp sốt dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn; tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không cho trẻ ăn uống thực phẩm có vị chua, cay nóng. Dùng thìa mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa.

Theo dõi sát tình trạng bệnh: Trong 7 ngày kể từ lúc trẻ mắc bệnh, ngoài việc dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày thì cha mẹ nên đưa trẻ đi tái khám để phát hiện sớm những triệu chứng bất thường.

Lưu ý: Nếu thấy bé không có dấu hiệu hạ sốt và giảm nốt trên da cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị.

Thu Hương (T/H)