Doanh nghiệp

“Bất ổn” luân chuyển vốn nhà nước tại Vinasport

  • Tác giả : Minh Quang (t/h)
Nguồn vốn nhà nước tại Vinasport luôn “bất ổn” sau cổ phần hóa, bởi liên tục được chuyển giao cho các cá nhân đại diện trong bối cảnh nội bộ HĐQT luôn “lục đục”. Quá trình quản lý, sử dụng “đất vàng” bừa bãi Vinasport để sai phạm, nghiêm trọng.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại Công ty CP Thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport) theo nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Vốn nhà nước không nằm yên

Thông báo Kết luận thanh tra nêu, việc quản lý sử dụng vốn nhà nước, chấp hành các quy định pháp luật tại Vinasport từ khi cổ phần hoá đến nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm.

Như, việc chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần đối với Vinasport được thực hiện năm 2006, khi còn trực thuộc Uỷ ban Thể dục thể thao. Tuy nhiên, Uỷ ban Thể dục thể thao vẫn chưa thực hiện việc kiểm tra, xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), Bộ VH-TT-DL vẫn chưa quyết toán giá trị doanh nghiệp phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức Vinasport chuyển sang công ty cổ phần; chưa quyết toán chi phí cổ phần hoá và quyết toán thuế…

Vinasport cũng chưa thực hiện việc nộp tiền thu từ cổ phần hoá về ngân sách nhà nước; chưa thực hiện nộp số tiền cổ tức phải trả cho nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

Chi tiết hơn về việc quản lý vốn nhà nước, tại Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ đối với Vinasport năm 2017 cho thấy, doanh nghiệp này được cổ phần hóa năm 2006 với vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng. Trong đó vốn Nhà nước chiếm 51,32% do ông Bùi Duy Nghĩa (SN 1959) làm người đại diện vốn.

Tháng 10/2012, Bộ VH-TT-DL bổ sung thêm ông Trịnh Quốc Toàn (sinh năm 1974) làm đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport với tỷ lệ 21,32%, phần vốn ông Nghĩa làm đại diện rút xuống 30%.

Ông Bùi Duy Nghĩa khi đó đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Vinasport.

Đến cuối tháng 9/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã khởi tố hình sự về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vinasport, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Bùi Duy Nghĩa.

Sau khi ông Nghĩa bị bắt, Bộ VH-TT-DL đã miễn nhiệm ông Nghĩa. Phần vốn Nhà nước với tỷ lệ 51,32% vốn tại Vinasport theo đó được chuyển cho ba người gồm: ông Trịnh Quốc Toàn rút xuống đại diện 15,5% vốn, ông Nguyễn Ngọc Thạch (sinh năm 1963) đại diện 20,31% vốn và ông Lê Hồng Nam do phía Vinasport đề xuất đại diện 15% vốn.

Tháng 2/2016, Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng phát hiện sai phạm của ông Trịnh Quốc Toàn và ông Lê Hồng Nam chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phần vốn Nhà nước tiếp tục được chuyển cho ông Đoàn Viết Thắng (Chủ tịch HĐQT) đại diện 20%, ông Nguyễn Ngọc Thạch đại diện 31,32% vốn.

Sau đó nội bộ thượng tầng Vinasport tiếp tục “lục đục”, tháng 11/11/2016, Bộ VH-TT-DL đã miễn nhiệm ông Thạch, phần vốn Nhà nước do ông đại diện được chuyển cho ông Đoàn Viết Thắng, ông Lê Hồng Nam quay lại làm đại diện 20% vốn.

Bắt đầu từ tháng 12/2017 tới nay, ông Phạm Quang Anh (SN 1975) đã trở thành Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Vinasport thay thế chức Tổng Giám đốc cho ông Đoàn Viết Thắng.

“Bat on” luan chuyen von nha nuoc tai Vinasport
Nhiều sai phạm xảy ra tại Vinasport

Thương vụ hợp tác “đất vàng” tay ba

Sau khi cổ phần hóa, 16.000m2 đất tại 181 Nguyễn Huy Tưởng là một trong số những khu “đất vàng” mà Vinasport đã được UBND thành phố Hà Nội cho Vinasport thuê để làm xí nghiệp sản xuất dụng cụ thể thao.

Nhưng sau đó UBND thành phố Hà Nội có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành. Do đó, Công ty Vinasport lập tờ trình và được Bộ VH-TT-DL đồng ý chủ trương sử dụng khu đất này để làm dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng.

Tháng 7/2012, Vinasport và Công ty Megastar đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng không thực hiện bước đàm phán, nhiều nội dung không phù hợp với hồ sơ mời thầu. Chính vì vậy dự án không thực hiện theo cam kết nhưng cũng thiếu cơ sở chấm dứt hợp đồng và đến nay vẫn chưa triển khai được.

Dù chưa thanh lý hợp đồng với Công ty Megastar nhưng ngày 31/12/2014, ông Bùi Duy Nghĩa không thông qua HĐQT, chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ VH-TT-DL đã tự ý ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông.

Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 được ký nhằm thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội thành Trung tâm thương mại, tổ hợp chung cư.

Hai bên cùng nhau lập ra Công ty TNHH Bất động sản An Phú - Hoàng Gia để thực hiện dự án này. Công ty TNHH Bất động sản An Phú - Hoàng Gia cũng đã chuyển vào tài khoản của Vinasport số tiền 20 tỷ đồng nhằm mục đích đền bù, hỗ trợ để Vinasport di dời nhà xưởng ra khỏi khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng.

Tuy nhiên, thương vụ này cũng xuất hiện đơn thư khiếu kiện kéo dài dẫn đến dự án không triển khai được. Do quá trình hợp tác không thực hiện được, một số tài sản đã bị phá dỡ năm 2015 gây thiệt hại 7,46 tỷ đồng vốn doanh nghiệp.

Ngoài ra, quá trình sử dụng đất, Vinasport đã cho thuê nhà xương, kho, bãi không đúng mục đích, chưa được UBND TP Hà Nội cho phép.

Minh Quang (t/h)