Y học và đời sống

Bài thuốc chữa thận âm hư và thận dương hư

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Thận là một trong 5 tạng có tác dụng điều chỉnh toàn bộ các rối loạn trong cơ thể. Vì vậy, khi thận hư yếu dẫn tới nhiều bệnh lý, cần phải chữa trị sớm.

Danh từ “Thận hư” trong Y học cổ truyền không phải là diễn tả quả thận bị hư yếu mà nói đến chức năng, sự rối loạn khí hoá của tạng thận. Theo y học cổ truyền, thận không phải là một vật thể hình hột đậu, là cơ quan bài tiết nước tiểu…mà thận là một trong năm tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận) có tác dụng điều chỉnh toàn bộ các rối loạn trong cơ thể nhờ sự tương quan giữa các tạng phủ trong cơ thể với nhau.

Thận hư là một hội chứng sinh hoá và lâm sàng đặc trưng bởi sự mất nhiều protein qua nước tiểu, gây giảm albumin huyết tương biểu hiện bằng phù và nhiều rối loạn khác như rối loạn lipid máu, rối loạn đông máu…Hội chứng thận hư là hội chứng nặng nhất của bệnh thận. Biểu hiện gồm hai dạng thận âm hư và thận dương hư.

Thận âm hư: Triệu chứng biểu hiện gồm: bứt rứt, hồi hộp, khó ngủ, dễ quên, hay tiểu đêm, đau lưng, mỏi gối, ù tai, nóng về đêm, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay, lòng bàn chân nóng, quan hệ tình dục không có “lực” mau mất sức, dương nuy bất cử (dương vật không cương), xuất tinh sớm….

Bài thuốc để trị tình trạng này là “Lục vị địa hoàng hoàn” bao gồm các vị thuốc: Ba kích, ích trí nhân, phục linh, đan bì, hà thủ ô, hoàng kỳ (mỗi vị 12g) 16g thục địa, tục đoạn, nhân sâm, sơn thù, hoài sơn Bắc (mỗi vị 10g), 8g nhục thung dung, 8g trạch tả (sao rượu) và 4g ngũ vị.

Cách nấu: Lần 1, cho các vị thuốc trên vào nồi đất cùng 4 chén nước, sắc (nấu) còn lại 1 chén. Lần 2, cho vào 3 chén nước, nấu còn lại nửa chén. Hợp nước lần 1 và lần 2 lại, rồi chia làm 3 phần để dùng trưa, chiều, tối, dùng trước bữa ăn độ 1 giờ.

Thận dương hư: Bao gồm một số triệu chứng giống thận âm hư nói trên, nhưng kèm một số triệu chứng khác như: eo lưng và chân tay lạnh, hay bị rối loạn tiêu hoá và thường đi tiểu vào lúc sáng sớm, lòng bàn tay bàn chân lạnh…

Bài thuốc trị chứng này bao gồm những vị thuốc sau: dâm dương hoắc, nhục thung dung, tục đoạn, sơn thù, hoài sơn Bắc, nhung nai (mỗi vị 10g) ba kích, đỗ trọng, nhân sâm, hoàng kỳ, kỷ tử, phục linh, đan bì (mỗi vị 12g), ích trí nhân, trạch tả (mỗi vị 8g), phụ tử, ngũ vị (mỗi loại 4g) và 6g nhục quế.

Cách chế biến cũng giống như bài thuốc ở thể thận âm hư, riêng nhục quế thì để riêng, đem hãm nước sôi, đợi nấu xong rồi mới cho vào sau. Hợp nước lần 1 và lần 2 lại, rồi chia làm 3 phần để dùng trưa, chiều, tối, dùng trước bữa ăn độ 1 giờ.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thận hư là triệu chứng của rất nhiều bệnh, để biết chính xác bạn nên đến các cơ sở Đông y tin cậy để khám, từ đó bác sĩ sẽ cho đơn thuốc một cách cụ thể.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Thúy Nga