Y học và đời sống

Bác sĩ cảnh báo 5 bệnh lý nguy hiểm khi mệt mỏi kéo dài

  • Tác giả : ThS.BS Nguyễn Văn Thái
Mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp trong cuộc sống, khiến cho cơ thể kiệt sức, uể oải, không có tinh thần để học tập và làm việc. Nhiều người thường hay xem nhẹ cảm giác này mà không biết đó có thể là bệnh lý nguy hiểm.

Bệnh gia tăng nhưng nhiều người chủ quan

Tình trạng cảm thấy không khỏe và mệt mỏi kéo dài đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp trong cuộc sống, khiến cho cơ thể có cảm giác kiệt sức, uể oải, không có tinh thần để học tập và làm việc.

Mệt mỏi có thể xuất hiện sau khi bạn làm việc quá sức, ăn uống kém, bị mất ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc do mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng mỏi mệt kéo dài liên tục sẽ làm cho cơ thể mất năng lượng dần dần và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Mỏi mệt kéo dài, hay còn gọi là mệt mỏi mãn tính có thể do thói quen sinh hoạt không phù hợp, do tâm lý bất ổn hoặc nghiêm trọng hơn là triệu chứng khởi đầu của một tình trạng bệnh lý.

Khi mắc một bệnh lý nào đó, cơ thể phải tăng cường hệ thống miễn dịch nên sẽ có nhu cầu tiêu tốn năng lượng rất nhiều. Đó là lý do vì sao các bệnh nhẹ như cảm cúm cho đến bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, thậm chí bệnh nguy hiểm như ung thư đều gây ra cảm giác mệt mỏi kéo dài cho người bệnh.

Thông thường, nếu mệt mỏi do những lo âu căng thẳng, do mất ngủ hoặc do các bệnh nhẹ cấp tính thì sẽ nhanh chóng tự mất đi khi giải quyết được nguyên nhân.

Do đó, nhiều người thường hay xem nhẹ cảm giác mệt mỏi của cơ thể vì cho rằng mệt mỏi sẽ tự hết khi cơ thể được thư giãn nghỉ ngơi, hoặc sử dụng trà hay cà phê để áp chế cảm giác này. Tuy nhiên, nếu cảm giác mệt mỏi vẫn kéo dài thì việc tìm hiểu nguyên nhân là rất quan trọng để giúp điều trị tình trạng này.

Bác sĩ cảnh báo 5 bệnh lý nguy hiểm khi mệt mỏi kéo dài ảnh 1

Bác sĩ cảnh báo 5 bệnh lý nguy hiểm khi mệt mỏi kéo dài

Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm

Mệt mỏi kéo dài dù không gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhưng có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý. Do đó, không nên chủ quan với tình trạng mệt mỏi kéo dài mà phải đi tìm nguyên nhân. Dưới đây, cảnh báo 5 bệnh lý nguy hiểm đang tiềm ẩn cơ thể cần khám ngay.

Bệnh thiếu máu: Khi cơ thể bị thiếu máu, chức năng trao đổi các chất dinh dưỡng, oxy tới các tế bào bị suy giảm. Chính vì vậy, một trong những biểu hiện của bệnh thiếu máu đó chính là mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng.

Do lượng máu lên não không đủ khiến bạn thường xuyên bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Ngoài ra, thiếu máu còn có một số biểu hiện đặc trưng như da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt….

Khi thăm khám, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu thiếu máu và khẳng định thông qua xét nghiệm máu.

Đau nửa đầu: Trước, trong và sau khi xảy ra cơn đau nửa đầu, một số người thường cảm thấy mệt mỏi.

Người bị đau nửa đầu thường cảm thấy uể oải, cáu kỉnh thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài. Mệt mỏi cùng với cơn đau dữ dội làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh.

Trong bệnh đau nửa đầu, mệt mỏi do thiếu máu não, gốc tự do được xem là một trong những nguyên nhân gây tổn thương thành mạch máu, hình thành nên các mảng xơ vữa và tạo huyết khối, làm hẹp lòng động mạch khiến giảm lưu lượng máu đến não.

Bệnh về huyết áp: Huyết áp cao hay thấp đều gây mệt mỏi. Một số loại thuốc huyết áp cũng có thể gây mệt mỏi. Mệt mỏi cũng là 1 triệu chứng quan trọng cho thấy thận có vấn đề nào đó như chức năng lọc thải trục trặc khiến huyết áp tăng cao và gây ra bệnh thiếu máu, làm bạn mệt mỏi. Huyết áp thấp thường khiến người mang bệnh bị chóng mặt và lờ đờ.

Bệnh tim mạch: Mệt mỏi có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý tim mạch nào đó, có thể là loạn nhịp tim, bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim,….

Theo các nhà nghiên cứu ĐH Harvard (Mỹ), 71% phụ nữ mệt mỏi trong 1 tháng trước khi bị nhồi máu cơ tim và 43% trong khi có một cơn nhồi máu cơ tim nhẹ. Dấu hiệu quan trọng của chứng nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường là hơi thở ngắn, mệt mỏi và không đau đớn.

Bệnh tiểu đường: Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Với bệnh nhân tiểu đường, các tế bào luôn không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho những hoạt động cơ bản của cơ thể, chính vì vậy mà họ luôn cảm thấy mệt mỏi dù cho không vận động nhiều.

ThS.BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và Ung bướu quân đội)

ThS.BS Nguyễn Văn Thái