Pháp luật

Bắc Giang: Trại lợn Hòa Phát “nhờn luật”… gây ô nhiễm môi trường?

  • Tác giả : Đoàn Khang
Từng bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động tái phạm.
Trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động. (Ảnh: Khương Lực).

Trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động. (Ảnh: Khương Lực).

Liên hoàn gây ô nhiễm môi trường

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Long Sơn (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) cho biết, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (thôn Hạ, xã Long Sơn) là công ty “con” thuộc Công ty CP phát triển chăn nuôi Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát), còn được người dân gọi là “trại lợn Hòa Phát” vừa xảy ra sự cố vỡ ống dẫn nước thải dẫn đến hiện tượng cá chết trên sông Bè.

Cụ thể, khoảng 11h ngày 15/2 vừa qua, một cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động vận hành hệ thống xử lý nước thải của dự án, bị vỡ khớp nối giữa đường ống bơm nước thải từ bể Biogas sang bể sự cố dẫn đến nước thải chưa được xử lý theo quy định chảy tràn ra suối Mùng và chảy ra sông Bè.

Sự cố xảy ra khoảng 45 phút thì được phát hiện, doanh nghiệp đã dừng hoạt động máy bơm để xử lý, khắc phục và nạo vét, rắc vôi khử khuẩn rãnh thoát nước thải, không để nước thải tiếp tục chảy ra ngoài môi trường.

Với hành vi trên, ngày 24/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động 500 triệu đồng, căn cứ điểm b, khoản 2, điều 40 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động trong thời gian 135 ngày (4,5 tháng) kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống, trước đó vào giữa năm 2019, Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động cũng đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt 540 triệu đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và có tình tiết tăng nặng là tái phạm hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, với hai lần xả thải gây ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động đã bị phạt hành chính số tiền hơn 1 tỷ đồng. Điều này, còn khiến dư luận đặt câu hỏi: Có hay không trại lợn Hòa Phát “nhờn luật” khi liên tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng?

Hình ảnh người dân dựng lều bạt, chặn đường vào trại lợn Hòa Phát trước đó. (Ảnh: Hoàng Văn).

Hình ảnh người dân dựng lều bạt, chặn đường vào trại lợn Hòa Phát trước đó. (Ảnh: Hoàng Văn).

Đình chỉ vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng?

Nói về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm môi trường đang là một trong những vấn đề “nóng” luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi hậu quả của môi trường ô nhiễm gây ra những ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Thực tế, sự việc Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động hai lần bị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cho thấy quá trình hoạt động doanh nghiệp này có thể chưa thực hiện nghiêm túc về vấn đề bảo vệ môi trường xung quanh vì thế mới liên tục bị người dân địa phương dựng lều bạt, chặn đường phản đối.

Tuy nhiên, trong sự việc cơ quan chức năng cũng đã xác định rõ nguyên nhân doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, đã tiến hành kiểm tra khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Dựa trên những căn cứ, mức độ vi phạm nên đã đưa ra quyết định xử phạt là hợp lý.

Dù vậy, luật sư cho rằng, tới đây Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động vẫn có những hành vi hoặc gây sự cố xả thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn xã Long Sơn và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, thì cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang nên xem xét đình chỉ hoạt động cơ sở này vĩnh viễn.

Ông chủ “cuối” trại lợn Hòa Phát là ai?

Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động được thành lập từ năm 2015, trụ sở tại thôn Hạ, xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Doanh nghiệp này do ông Ngô Xuân Trường là người đại diện theo pháp luật, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt.

Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động có công ty mẹ là Công ty CP phát triển chăn nuôi Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát). Chủ tịch của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hiện nay là ông Trần Đình Long (sinh năm 1961, quê Hải Dương).

Tập đoàn này hoạt động trong 5 lĩnh vực: Gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp, bất động sản, Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn.

Trước thềm Tết âm lịch 2023, tỷ phú Trần Đình Long trực tiếp nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 32.070 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Long đứng sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang vững vàng ở vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt 142.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Năm 2022, Hòa Phát cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC). Đóng góp chính vào sản lượng bán hàng là thép xây dựng và HRC.

Trong năm 2022, tổng tài sản của Tập đoàn Hòa Phát lập đỉnh lịch sử gần 207.500 tỷ đồng vào ngày cuối tháng 6. Đến cuối quý 4, tổng tài sản giảm còn khoảng 170.300 tỷ đồng, tương ứng hao hụt 37.200 tỷ đồng.

Trong năm vừa qua, Hòa Phát cũng tập trung trả bớt nợ, đặc biệt là các khoản phải trả người bán. Tổng nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là 74.223 tỷ đồng, giảm hơn 13.200 tỷ so với đầu năm. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của Hòa Phát tại ngày 31/12/2022 là 44%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG hồi phục mạnh kể từ khi chạm đáy vào ngày 10/11/2022 là 12.100 đồng/cổ phiếu và hiện đã tăng lên khoảng 20.300 đồng/cổ phiếu.

Đoàn Khang