Y học và đời sống

Ba kích chữa huyết áp thấp

  • Tác giả : TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Ba kích vị cay, hơi ấm, không độc không chỉ tốt cho quý ông yếu sinh lý mà còn có tác dụng chữa huyết áp thấp. 

Cây ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis How. Thuộc họ cà phê rubiaceae. Còn có tên ba kích thiên, bất điêu thảo, ba cức, diệp liễu thảo, đan điền lâm vũ, lão thử thích căn, nữ bản...

Ba kích là cây thảo sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Thân non màu tím, có lông, phía sau nhẵn. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, dài 6 - 14cm, rộng 2,5 - 6cm, lúc non màu xanh lục, khi già màu trắng mốc. 

Rễ làm thuốc dùng dưới dạng khô, được cắt thành từng đoạn ngắn, dài trên 5cm, đường kính khoảng 5mm, có nhiều chỗ đứt để lộ ra lõi nhỏ bên trong. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, hoặc hồng nhạt, có vân dọc. Bên trong là thịt màu hồng hoặc tím, vị hơi ngọt.

Theo Đông y, ba kích có vị cay, hơi ấm, không độc, quy kinh tỳ và thận, can có tác dụng cường gân cốt, ngũ tạng, bổ trung, tăng trí, ích khí. Thường dùng chữa thận dương hư suy với các chứng liệt dương, huyết áp thấp và các chứng phong, thủy thũng, ngũ lao, thất thương, phong khí, cước khí, nam giới bị mộng tinh, di tinh, đầu mặt bị trúng phong, ho suyễn, chóng mặt, tiêu chảy...

Liều dùng 6 - 12g dạng thuốc thang. Có thể ngâm rượu hoặc nấu thành cao, làm thành hoàn, tán... dùng chữa bệnh huyết áp thấp:

Bài 1: Ba kích 12g, đỗ trọng 12g, nhân sâm 10g, linh chi 10g, hoàng kỳ chích 20g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

Bài 2: Ba kích 12g đỗ trọng 12g, hoàng Kỳ 16g, mạch môn 12g, thiên môn 10g, nhân sâm 10g cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 đến 3 lần uống trong ngày.

Bài 3: Ba kích thiên 12g, bá tử nhân 12g, bổ cốt chỉ 10g, câu kỷ tử 10g, lộc nhung 12g, ngũ vị tử 4g, nhục thung dung 12g, sơn thù du 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Chữa huyết áp thấp kèm liệt dương.

TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh (nguyên Chủ nhiệm Quân y, Tổng cục Chính trị)

TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh