Đời sống

Ẩn họa khôn lường từ hội nhóm “đen” trên mạng xã hội

  • Tác giả : PV
“Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, "Những hội túng quẫn làm liều", “Hội sưu tầm trao đổi vũ khí” “Hội chị em quyến rũ dâm đãng”... và nhiều hội nhóm trên mạng xã hội đang là những "tụ ổ" kích thích hành vi phạm tội, ẩn chứa hiểm họa khôn lường cho cộng đồng.
hoi-nhom-2.jpg
Hiếu và Tùng quen nhau qua “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. 

Mầm mống tội phạm

Gần đây, nhiều vụ cướp ngân hàng, cướp tài sản táo tợn liên tục xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Đáng chú ý các đối tượng phạm tội đều khai quen biết nhau qua “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Các thành viên của hội, nhóm này được lập ra với mục đích kích động và "kết nối nhân sự” để thực hiện các hành vi phạm tội.

Chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng hoàn toàn có thể tìm thấy và gia nhập các hội nhóm như trên. Có thể kể đến gồm: Hội những người đi tù (hơn 275.000 thành viên); Hội Vỡ nợ muốn làm liều (hơn 12.000 thành viên); Hội túng quẫn làm liều (gần 8.000 thành viên); Đòi nợ thuê (hơn 10.000 thành viên), Vn Canada Canabis (hơn 30.000 thành viên), Hội chị em quyến rũ dâm đãng (145 nghìn thành viên)…

Không khó để truy cập vào những hội nhóm “đen” trên mạng xã hội. Chỉ cần có một tài khoản không rõ danh tính cũng dễ dàng đăng ký tham gia vào “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên Facebook. Trong hội nhóm này, những nội dung kích động, dụ dỗ thực hiện hành vi phạm tội như: sử dụng súng cướp tài sản, cướp ngân hàng, trả thù, buôn bán phụ nữ, mua bán dâm... liên tục được đăng tải. Thậm chí, có những kế hoạch, mưu đồ thực hiện hành vi phạm tội được đăng tải công khai để các thành viên cùng bình luận, góp ý và liên hệ với nhau nếu “tâm đầu ý hợp”.

Không kêu gọi kích thích bạo lực, rủ nhau phạm tội nhưng nhiều hội nhóm khác như “Hội sưu tầm trao đổi vũ khí” “Hội chị em quyến rũ dâm đãng”... cũng được phản ánh ẩn chứa hành vi tội phạm như mua bán vũ khí gây án, mua bán dâm, vay nóng, bán chất kích thích... Rõ ràng, với những nội dung chia sẻ mang tính tiêu cực, kích thích bạo lực, hành vi vi phạm pháp luật đã cho thấy “mầm mống” của bóng dáng tội phạm có thể bước ra từ mạng ảo.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ Nguyễn Văn Hiếu (SN 1991, trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981 trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để điều tra vụ cướp ngân hàng xảy ra vào sáng 7/3/2022.

Theo khai báo tại cơ quan điều tra, Hiếu rất mê trò chơi xóc đĩa online. Để thỏa mãn, Hiếu đã vung tiền tỷ vào trò chơi may rủi này. Không có tiền để chơi game, Hiếu vay nợ khắp nơi, sau khi bán hết nhà, đất để trả nợ, vẫn còn thiếu 3 tỷ đồng. Bần cùng, túng quẫn, Hiếu mò mẫm vào trang “Hội những người vỡ nợ thích làm liều” trên mạng xã hội Facebook.

Tại đây, “một số đàn anh” đã dạy Hiếu cách cướp ngân hàng. Hiếu đã chủ động bắt chuyện và cuối cùng rủ được Nguyễn Thanh Tùng “chung ý tưởng”. Cả 2 đã nảy sinh ý định cướp tài sản tại Phòng giao dịch Ngân hàng nằm trên địa bàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) để trả nợ và mục tiêu là các ngân hàng.

hoi-nhom-tung-quan-ru-nhau-lam-lieu-tren-facebook-can-triet-xoa-mam-mong-toi-pham.jpeg
Hiếu và Tùng “chung ý tưởng” cướp ngân hàng.

Trước đó, Công an TP Hà Nội cũng đã bắt giữ thành công 3 đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản tại một chung cư. Cả 3 đối tượng quen nhau qua điện thoại và lập nhóm riêng có tên là "những hội túng quẫn làm liều" bàn bạc kế hoạch để đi cướp. Quá trình tìm hiểu, bọn chúng biết được nạn nhân chuyên mua bán điện thoại online nên đã nảy sinh ý đồ cướp. Sau khi gây án cướp được 4 chiếc điện thoại tại một chung cư, bọn chúng đã chia tang vật và tỏa đi 3 nơi khác nhau.

Hiện trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm số lượng người dùng tương tác lớn như Hội quý bà quý cô rủ nhau vụng trộm (gần 100.000 thành viên), Hội ngoại tình và vụng trộm (hơn 103.000 thành viên)… Cho đến các hội nhóm mang đậm màu sắc tiêu cực gồm: Hội những người trầm cảm muốn tự tử (hơn 22.000 thành viên); Hội ghét cha mẹ (hơn 2.000 thành viên); Hội chán sống (hơn 7.000 thành viên)…

Tại các hội nhóm này, thành viên sẽ được chia sẻ nhiều hành vi như ngoại tình, che giấu thân phận, vay nợ, theo dõi chồng, mua bán dâm... Đặc biệt, một số hội nhóm có tính chất tiêu cực như hội tự tử có nhiều bài đăng về các ý nghĩ tiêu cực, áp lực cuộc sống… Thay vì được an ủi các thành viên lại nhận được hàng loạt các bình luận ác ý, làm trầm trọng thêm suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nhiều lời khuyên được đưa ra là nên tự kết thúc cuộc đời mình.

Mạng ảo, tội phạm thật

Theo tìm hiểu của phóng viên, những hội nhóm “đen” đang ngày một gia tăng mạnh về lượng người dùng mà thông tin được các thành viên trong đó trao đổi có thể gây mất an toàn xã hội, thậm chí nhiều hành vi phạm pháp đã được nhen nhóm ý tưởng và thực hiện từ đây.

TS Nguyễn Anh Thơ, chuyên gia tâm lý học cho rằng, việc lập ra các hội, nhóm trên mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các đối tượng có được không gian chung để chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm, tìm được những cảm xúc, suy nghĩ đồng thuận. Nhưng với những hội, nhóm có chung động cơ, mục tiêu cực đoan, trái đạo đức, pháp luật thì đó lại là mối nguy hiểm rất lớn cho xã hội vì chính tâm lý tiêu cực của đám đông sẽ càng kích thích những suy nghĩ xấu của con người càng mạnh và kích hoạt hành vi sai trái mà họ cho là đúng.

Khi tham gia vào hội nhóm, các cá nhân sẽ cùng tương tác với nhau và tạo nên hiện tượng mà trong tâm lý học xã hội gọi là "tâm lý đám đông". Đám đông càng có nhiều sự tương hợp thì càng dễ tạo ra một tập thể "đồng tâm". Đồng nghĩa với việc xấu càng thêm xấu, tốt càng thêm tốt.

hoi-nhom-1.jpg
Bộ Công an đã đề nghị, lực lượng chức năng rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác Bộ Công an quý I/2022 vừa qua, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã đề nghị, lực lượng chức năng rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng, hoạt động của các hội nhóm tội phạm trên mạng để đấu tranh, xử lý kịp thời. Đã xuất hiện thủ đoạn các đối tượng kết bạn qua các hội nhóm kín trên không gian mạng để rủ nhau cướp.

Đại úy Trịnh Công Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết: “Việc các nhóm hoạt động trên mạng xã hội rất khó để cơ quan chức năng quản lý, vì các thành viên thường tìm kiếm nhau trên hội nhóm và inbox riêng cho nhau. Trên nền tảng mạng xã hội, việc tạo ra các hội nhóm rất đơn giản. Cơ quan chức năng vẫn rà soát từ khóa về các hội nhóm nhưng sau khi các thành viên đăng bài lại không nhắn tin công khai trên nhóm mà nhắn tin riêng thì việc kiểm soát gần như là không có khả năng. Có những người đăng status lên chỉ để vui, để câu like nhưng cơ quan chức năng sẽ tìm kiếm, rà soát theo từ khóa và có biện pháp ngăn chặn admin (người quản trị) nhóm đó, rà soát admin đó là ai, yêu cầu xóa bài hoặc xóa nhóm”.

Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Đoàn Luật sư TPHCM, Điều 8 Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người... Những người vi phạm có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu các chủ hội nhóm này lại có hành vi kích động, giúp sức về mặt ý chí, có thể như tư vấn cướp thì có thể xem là hành vi đồng phạm, xét xử theo Luật Hình sự.

PV