Dữ liệu y khoa

Ăn dưỡng âm, uống dưỡng dương

  • Tác giả :  TTND.BS Cao cấp Nguyễn Xuân Hướng
(khoahocdoisong.vn) - Ăn để dưỡng Âm, uống để dưỡng Dương, đó là hai phương pháp của Đông y. Thường nên ăn ít nhưng cũng không để thiếu, chưa đói đã ăn làm hại tỳ vị, chưa khát đã uống, uống quá nhiều làm dạ dày trướng to, ăn no không nằm ngửa, ăn xong không ngủ ngay.

Trên đời có ba thứ dục đó là thực dục, thụy dục, sắc dục. Trong ba loại dục ấy thực dục là gốc. Người biết dưỡng sinh, uống trước khi khát nhưng uống không quá nhiều, ăn trước khi đói nhưng ăn không quá no, ăn ít nhưng chia ra nhiều lần. Không cần ăn nhiều nhưng no, thường để đói trong no, không để no trong đói là tốt nhất. Ăn uống phải ấm nóng mới hợp với tỳ vị. Thà để gạo thắng thịt không nên để thịt thắng gạo. Thà đêm nhịn đói không để mắc chứng nội thương (tổn thương bên trong phủ tạng). Khi đói không nên uống trà đặc, nên uống rượu sau bữa ăn tối. Khi đói quá không nên ăn nhiều một lúc, khát quá không uống luôn một hồi. Sau khi tức giận không nên ăn ngay làm tổn thương can (gan), ăn xong không nên nổi nóng làm dương khí vượng sinh chứng huyễn vựng (cao huyết áp). Luôn giữ khí được điều hòa.

Người xưa lại dạy "ăn nhiều sinh năm điều lo": Một là đi đại tiện nhiều, hai là đi tiểu tiện nhiều, ba là mất giấc ngủ, bốn là không thể tu luyện, năm là không tiêu hóa hết sinh chứng tích trệ. Cần giữ gìn để cho trung khí được điều hòa (trung khí là khí của tỳ vị). Sách Dưỡng sinh đại yếu nói: “Người biết dưỡng sinh là dưỡng nội, người không biết dưỡng sinh là dưỡng ngoại như tham vui thú bên ngoài, tình dục buông thả, nặng ngoại thì hư nội. Người biết dưỡng nội khiến cho ngũ tạng an hòa, tam tiêu (thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu) giữ đúng chỗ. Ăn uống điều độ, cuộc sống đúng mực, không dính vào những việc đời phiền toái thì sống trăm tuổi có dư.

Người cao tuổi sau nhiều năm hoạt động, lục phủ ngũ tạng bị tổn thương, suy kém, khí huyết không còn dồi dào để lưu thông như thời tuổi trẻ. Đừng để ngũ tạng tổn thương vì ngũ vị như ăn chua nhiều hại tỳ, đắng nhiều hại phế (phổi), cay nhiều hại can (gan), mặn nhiều hại tâm (tim), ngọt nhiều hại thận. Sách Diên mệnh lục nói: “Ngũ cốc tuy làm cho cơ thể no nhưng không thể khiến cho người tăng tuổi thọ. Thuốc tuy đắng nhưng chữa bệnh để sống lâu. Vị ngọt làm cho ngon miệng, kẻ tục thường quí, thuốc (thảo dược) đắng lại làm cho người sống lâu, là vật báu mà người muốn dưỡng sinh phải nâng niu”.

Trong phép dưỡng sinh cần chú ý, không nên nhổ nước bọt quá nhiều, đi không vội vàng, nghe âm thanh vừa phải, mắt nhìn không quá lâu, ngồi không quá dai, đứng không đến mỏi, trước lạnh phải mặc áo, cởi ra trước khi nóng. Không ham muốn quá độ, không ghét thứ gì nhiều, không để ra mồ hôi nhiều, không ham ngủ nhiều, không nhìn xa lâu, không uống rượu nơi gió lùa, mùa đông không nên quá nóng, mùa hè không nên quá lạnh. Tránh gió mùa xuân, mùa  thu không ở nơi ẩm thấp, không nằm ngoài trời sương, không dùng quạt mạnh trong khi ngủ, tránh rét đậm, nắng gắt, gió to, sương dày, thức ngủ sớm hay muộn tùy theo từng mùa. Mùa đông nên ngủ sớm dậy muộn, mùa hè nên dậy sớm, luyện thân thể khi đã có dương khí (khi trời đã sáng). Làm việc nghỉ ngơi có tiết độ, co giãn gân cốt theo phép điều nhiếp, hít thở đúng thuật dưỡng sinh, đó là cái lẽ sống của người cao tuổi, nếu biết giữ gìn, tuân theo thì sẽ sống trường thọ.  

TTND.BS Cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam)

 TTND.BS Cao cấp Nguyễn Xuân Hướng