Làm đẹp

6 nguyên nhân môi bị mưng mủ sau phun xăm và cách xử lý

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Mới đây, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành - Hội Da liễu Việt Nam tiếp nhận điều trị cho em N.P.T (15 tuổi, trú tại Hà Nội) bị biến chứng sau xăm môi.

Trước đó, T. theo chị gái đến xăm môi tại cơ sở thẩm mỹ ở Hoàng Mai, Hà Nội. Sau 2 ngày, môi bắt đầu có biểu hiện ngứa, sưng, đau nhức, xuất hiện nhiều mụn mủ, đóng vảy tiết dịch vàng…

Bác sĩ Thành chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng mực xăm, nhiễm virus herpes (biểu hiện là những đám mụn nước nhỏ trên môi, gây đau rát), nguy cơ sẹo vĩnh viễn.

Theo các bác sĩ, phun môi bị mưng mủ là một trong những hiện tượng rất dễ xảy ra đối với những ai thực hiện quá trình chăm sóc môi sai cách, không kiêng cử thức ăn sau khi phun. Tình trạng này dẫn đến màu môi bị thâm hoặc không đều màu.

Về bản chất, phun môi là phương pháp làm đẹp có độ an toàn khá cao, không gây tổn thương mạch máu hay dây thần kinh mà chỉ tác động nhẹ nhàng lên lớp thượng bì của da môi. Nhưng do một số lý do khác nhau mà xảy ra tình trạng phun xăm môi hỏng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của môi.

Kỹ thuật viên tay nghề kém

Trình độ tay nghề chuyên viên phun xăm kém, di kim không chính xác nên tác động sâu tới lớp biểu bì môi trong suốt quá trình thực hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình lên màu môi mà còn dẫn đến phun môi bị hỏng với vấn đề nhiễm trùng.

Công nghệ lạc hậu

Công nghệ phun xăm cũ sử dụng đầu kim thô to, chưa được cải tiến với tần số rung cao dễ tạo thương tổn tới cấu trúc da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây ra tình trạng mưng mủ.

Mực xăm kém chất lượng

Nhiều loại mực xăm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng chất lượng sẽ chứa nhiều chì hoặc hóa chất khiến môi lên màu không như mong muốn, nghiêm trọng hơn còn gây kích ứng da, mưng mủ, lở loét,…

Thiết bị không được khử khuẩn, sát trùng

Kim phun xăm có tác động trực tiếp tới lớp biểu bì môi. Do đó, nếu kim không được bảo quản và khử khuẩn cẩn thận trước khi sử dụng sẽ tăng cao nguy cơ tạo thành các ổ viêm nhiễm trên môi, chưa kể trường hợp lây lan vi khuẩn và một số bệnh truyền nhiễm.

Chủ quan trong việc vệ sinh

Không chú ý vệ sinh môi thường xuyên hoặc chăm sóc môi sai cách, ví dụ như để môi tiếp xúc với nước, dung dịch tẩy rửa, vi khuẩn, bụi bẩn,… là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả phun xăm và gây ra các biến chứng như phun môi bị mưng mủ.

Không kiêng khem

Sau khi phun môi, nhiều người không tuân thủ chế độ kiêng khem các thực phẩm kích thích gây sẹo, không đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên thức khuya, sử dụng chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê,… Theo đó vết thương trên môi khó lành và dễ tạo ra các vết mụn nước, chảy mủ.

Cách xử lý tình trạng phun môi bị mưng mủ

Theo các chuyên gia, trường hợp môi chỉ hơi sưng và đau nhẹ, mọi người có thể tự xử lý tại nhà bằng cách chú ý nhiều hơn đến việc vệ sinh, chăm sóc, chế độ ăn uống cũng như kiêng khem.

Tuy nhiên, vết thương bắt đầu chảy mủ đồng nghĩa với việc môi đã bị tổn thương nghiêm trọng và rất dễ nhiễm trùng. Khi này, mọi người cần chú ý:

Tuyệt đối không dùng tay để nặn, bóp mủ vì vết mủ sẽ lan rộng dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Nhanh chóng đến khám bác sĩ để được cung cấp thuốc bôi ngoài da, không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Luôn giữ môi sạch sẽ, vệ sinh bằng cách dùng khăn sạch hoặc tăm bông thấm nước muối sinh lý chấm nhẹ quanh môi sau đó thấm khô.

Điều chỉnh các thói quen sinh hoạt, đặc biệt không trang điểm, dùng chất tẩy rửa hoặc tham gia các môn thể thao dưới nước.

Tăng cường lượng nước và ăn nhiều các loại hoa quả, rau củ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Bác sĩ khuyến cáo trẻ em, vị thành viên là đối tượng dễ xảy ra biến chứng, hậu quả thường nặng nề và lâu dài hơn. Do đó, trẻ dưới 18 tuổi không nên phẫu thuật, can thiệp thẩm mỹ chuyên sâu vì đang trong giai đoạn phát triển thể chất, những thay đổi của cơ thể sau đó có thể không phù hợp các thủ thuật thẩm mỹ đã làm.

Tuấn Huy (T/H)