GIỚI TÍNH

5 nguy cơ mang thai trên sẹo mổ cũ

  • Tác giả : Thúy Nga
Với những chị em phụ nữ đã sinh mổ, mang thai lần tiếp theo thì việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe cần lưu ý rất nhiều để phát hiện sớm và tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương đã từng tiếp nhận điều trị cấp cứu cho 1 trường hợp thai bám sẹo mổ lấy thai cũ. Bệnh nhân 42 tuổi, có tiền căn mổ lấy thai 3 lần; vào viện với tình trạng da niêm trắng bệch, tri giác lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được, ra huyết âm đạo rất nhiều ở nhà gây ngất xỉu, Hb = 3g/dl, đồng thời kết hợp dấu hiệu nhiễm trùng nặng như sốt cao 39 độ C, dịch âm đạo hôi, bạch cầu tăng, CRP tăng.

Các bác sĩ đã thực hiện báo động đỏ nội viện, cấp cứu bằng cách truyền tổng cộng 14 đơn vị máu, kháng sinh liều cao. Sau truyền máu và kháng sinh ổn định, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt tử cung bán phần với chẩn đoán thai bám sẹo mổ cũ gây nhau cài răng lược thể percreta + nhiễm trùng đưa đến vỡ tử cung.

PGS.TS Lê Thị Anh Đào, trưởng khoa Phụ ngoại A5, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, chửa tại sẹo mổ lấy thai nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể nguy hiểm tính mạng của mẹ.

Khi phát hiện thai bám sẹo mổ cũ, cần chấm dứt thai kỳ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho sản phụ.

Mổ cấp cứu cho sản phụ mang thai trên vết sẹo mổ cũ

Mổ cấp cứu cho sản phụ mang thai trên vết sẹo mổ cũ

5 điều chị em đã từng được mổ lấy thai cần lưu ý:

Hiếm muộn (khó có thai)

Các tổn thương có thể xuất hiện trong quá trình mổ lấy thai có thể gây ra tình trạng khó có thai trở lại trong tương lai. Nguyên nhân hay gặp nhất: khuyết sẹo mổ lấy thai, tụ dịch khuyết sẹo mổ cũ, viêm dính, tổn thương vòi trứng, buồng trứng…

Khuyết sẹo mổ lấy thai

Là tình trạng mất liên tục của nội mạc tử cung một phần hay toàn bộ lớp cơ thành trước eo tử cung, gây ra sự hình thành túi dịch tại vị trí thành trước đoạn dưới tử cung. Các triệu chứng gợi ý đến khuyết sẹo mổ lấy thai như rong kinh, rong huyết, vô sinh thứ phát, ứ dịch buồng tử cung, đau bụng vùng hạ vị … Khi phát hiện khuyết sẹo mổ lấy thai dẫn đến các rối loạn trên cần phẫu thuật để cắt lọc và khâu phục hồi cơ tử cung.

Thai bám sẹo mổ lấy thai

Đây là hiện tượng túi thai làm tổ tại vị trí sẹo mổ tử cung. Đây là một vị trí đặc biệt của thai ngoài tử cung. Thông thường, sau khi được thụ tinh, trứng sẽ bám vào vùng đáy tử cung - nơi có lớp nội mạc đủ dày để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, đối với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, trứng có thể bám vào đúng vị trí sẹo phát triển thành túi thai.

Chửa tại sẹo mổ lấy thai nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể nguy hiểm tính mạng của mẹ. Khi phát hiện thai bám sẹo mổ cũ, cần chấm dứt thai kỳ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho sản phụ. Nên những chị em đã từng được mổ lấy thai nếu có thai trở lại nên siêu âm sớm để loại trừ biến chứng này.

Rau tiền đạo và rau cài răng lược

Rau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám vào đoạn dưới của tử cung khi một phần hay toàn bộ bánh rau che lấp toàn bộ lỗ trong cổ tử cung. Rau cài răng lược để mô tả bệnh cảnh lâm sàng đặc biệt nghiêm trọng khi một phần hay toàn bộ bánh rau ăn sâu vào cơ tử cung, không thể tách rời khỏi thành tử cung. Đây là hai bệnh lý hết sức nguy hiểm, có thể gây chảy máu ổ ạt, phải cắt bỏ tử cung, ảnh hưởng và đe dọa đến tính mạng của người mẹ và thai nhi. Tỷ lệ rau tiền đạo và rau cài răng lược tăng lên ở những phụ nữ có sẹo mổ lấy thai.

Vỡ tử cung

Ở những phụ nữ đã trải qua mổ lấy thai, trong lần mang thai tiếp theo, thành tử cung có thể rất mỏng, do đó tăng nguy cơ vỡ tử cung, đặc biệt ở những tháng cuối của thai kỳ và thời điểm chuyển dạ. Nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ 2 lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ 1 lần. Hơn nữa, vỡ tử cung trong trường hợp có sẹo mổ cũ không có dấu hiệu báo trước, nên rất khó phát hiện, do đó rất nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Thông thường, sau khi mổ lấy thai, tốt nhất nên có thai lại sau ít nhất 12 – 24 tháng. Ngoài ra, những mẹ bầu có sẹo mổ cũ trên tử cung còn có nguy cơ sẩy thai, thai lưu, sinh non và băng huyết sau sinh cao hơn bình thường.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai chỉ nên giới hạn dưới mức 15% để tránh tai biến nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ thai phụ sinh mổ tại nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Theo kết quả Điều tra đo lường các chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ (SDGCW) 2020-2021, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam chiếm 34,4% tăng gần 7% so với năm 2014. Tỷ lệ sinh mổ cao hơn ở khu vực thành thị chiếm tới 43,2%, làm dấy lên mối lo ngại lạm dụng kỹ thuật này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Thúy Nga