Y học và đời sống

4 bệnh về da dễ gặp mùa nắng nóng

  • Tác giả : Thu Hương (T/H)
Thời tiết nắng nóng của mùa hè dẫn đến mồ hôi ra nhiều là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về da.

Với nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh da liễu thì điều kiện thời tiết nắng nóng cộng với khói bụi, ô nhiễm môi trường sống…, rất thích hợp để chúng sinh sôi và tấn công vào cơ thể người.

Với từng căn bệnh, sẽ đối mặt với những triệu chứng khác nhau, hầu hết bệnh da liễu đều cảm thấy khó chịu và tự ti với làn da kém hoàn hảo của mình.

Dưới đây là những bệnh về da thường gặp vào mùa hè:

Viêm da cơ địa

Viêm da do cơ địa khá nhạy cảm, nhất vào thời những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng cao. Lúc này, cơ thể rất dễ rơi vào trạng thái rối loạn, đây là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm da cơ địa tái phát.

Người bị viêm da cơ địa thường bị: Ngứa khu vực bị viêm; Viêm da mãn tính và tái phát nhiều lần. Khô da, viêm môi, viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát nhiều lần, màu sắc trên mặt đỏ hoặc tái, bị dị ứng thức ăn, chàm ở lòng hoặc mu bàn tay, IgE tăng, phản ứng da tức thì týp 1 dương tính, vẩy trắng. Xuất hiện nhiều ban đỏ. Trên bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông. Mụn nước vỡ chảy dịch gây phù nề, vảy tiết. Vùng da bị tổn thương có thể bị bội nhiễm, loét, mụn mủ, sưng nóng,…

Mắc viêm da do cơ địa không thể điều trị dứt điểm, người bệnh phải chung sống với bệnh mỗi lần chúng tái phát.

Nấm da

Vào mùa hè, tỷ lệ người mắc bệnh nấm da cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Nấm thường xuất hiện ở những vùng ẩm ướt hoặc vùng da ra nhiều mồ hôi, ví dụ như bàn chân, bẹn và các nếp gấp của da. Thông thường, những bệnh nhiễm trùng này xuất hiện dưới dạng phát ban có vảy, da đổi màu và thường gây ngứa.

Bệnh nấm da thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, bao gồm việc tiếp xúc với nấm trên quần áo hoặc các vật dụng khác hoặc có thể tiếp xúc với người hoặc động vật bị nấm. Các bệnh nấm da thường gặp là: lang ben, hắc lào, nấm kẽ chân, nấm da đầu, nấm móng…

Yếu tố gây nấm da thường là: Sống trong môi trường ẩm ướt, ra mồ hôi nhiều, dùng chung các vật dụng như quần áo, giày dép, khăn tắm; vệ sinh da không sạch…

Bệnh rôm sảy

Rôm sảy là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè, khiến con quấy khóc liên tục vì cảm giác khó chịu, ngứa ngáy,… Nguyên nhân gây bệnh là tuyến mồ hôi đang rơi vào tình trạng bít tắc nghiêm trọng. Các bác sĩ cho biết trẻ nhỏ, đặc biệt là các em bé sơ sinh chưa hoàn thiện cấu tạo ống tuyến mồ hôi nên rất dễ gặp phải tình trạng rôm sảy,… Việc cha mẹ cho con mặc quần áo quá dày, không thấm hút mồ hôi tốt cũng là một phần nguyên nhân khiến bé mắc bệnh trong mùa hè.

Khi bị rôm sảy, trên làn da của bé sẽ có những nốt mụn nước nhỏ li ti, chúng xuất hiện trên diện rộng và khiến da mẩn đỏ. Các vị trí thường bị rôm đó là khu vực háng trán, cổ hoặc lưng của em bé. Cha mẹ nên chú ý theo dõi các triệu chứng cũng như biểu hiện quấy khóc của con để phát hiện tình trạng bệnh.

Thông thường, rôm sảy không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ nhỏ, chúng sẽ biến mất nếu bé được chăm sóc và vệ sinh da cẩn thận. Các bậc phụ huynh nên hạn chế hiện tượng bé gãi vào các nốt mụn nước, làm lây lan rôm sảy sang các vùng khác, mất nhiều thời gian để da lành.

Bệnh chốc lở

Chốc lở là tình trạng nhiễm khuẩn nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc từ trẻ này sang trẻ khác, vì vậy, bệnh còn được gọi là “chốc lây”. 90% trường hợp chốc là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị lây dịch của vết chốc. Nếu mẹ không để ý và kịp thời chữa cho trẻ có thể dẫn đến bệnh viêm cầu thận. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp.

Thu Hương (T/H)