Dữ liệu y khoa

3 loại "khí" làm tăng nguy cơ ung thư phổi

  • Tác giả : Định Tâm (Theo ABLW)
Phổi tham gia quá trình hô hấp nên một khi có vấn đề, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Để ngăn ngừa, chuyên gia cảnh báo 3 loại khí tăng nguy cơ ung thư phổi cần tránh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ ung thư phổi thuộc loại cao nhất trên thế giới. Nó cũng được đánh giá là một trong những loại u ác tính có số ca tử vong đứng đầu. Phổi tham gia quá trình hô hấp nên một khi có vấn đề, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Để ngăn ngừa, chuyên gia cảnh báo 3 loại khí tăng nguy cơ ung thư phổi cần tránh. (Ảnh minh họa)

Khói thuốc lá. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất. Trong số đó có hơn 100 chất có hại và 69 chất gây ung thư. Hít lượng lớn khói thuốc lá trong thời gian dài chắc chắn làm suy yếu khả năng phòng vệ của phổi, tăng nguy cơ viêm nhiễm và ung thư tế bào.

Thời gian tiếp xúc khói thuốc lá càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao. Ngay cả khi hít khói thuốc thụ động, bạn vẫn có khả năng mắc bệnh. Vì vậy, bạn nên tránh hoạt động trong môi trường có khói thuốc. Ngay khi rời khỏi môi trường chứa khói thuốc, bạn cần tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh đồ đạc bởi các chất trong khói thuốc có thể tồn tại ít nhất 6 giờ.

Khói dầu. Ngoài hút thuốc lá thụ động, khói dầu là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi ở người không hút thuốc. Nghiên cứu chỉ ra, nấu ăn trong bếp không thông gió, hàm lượng khí độc trong khói dầu tương đương đốt 5-6 hộp thuốc lá.

Quá trình chiên, nướng thực phẩm, nhiệt độ dầu càng cao thì khói dầu sinh ra càng nhiều, càng chứa nhiều thành phần có hại như andehit, xeton, hydrocacbon thơm đa vòng, admin dị vòng và các hạt vật chất như PM2.5. Khi đi vào cơ thể, các chất này có thể gây quái thai, viêm phổi, giảm khả năng miễn dịch, đột biến DNA và các khối u ác tính.

Amoniac. Amoniac là chất khí không màu, có ở khắp mọi nơi, tiếp xúc lâu dài với nồng độ amoniac cao dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp. Những ngôi nhà mới cải tạo, các vật liệu trang trí như đá cẩm thạch, đá granit thường thải ra một lượng lớn amoniac, gây ô nhiễm không khí trong nhà, có hại cho cơ thể.

Bên cạnh đó, các chất thải từ khí thải công nghiệp và khí thải ô tô cũng tác động tiêu cực đến cơ thể người. “Báo cáo tình trạng không khí toàn cầu 2020” cho thấy, thứ hạng về nguy cơ tử vong do ô nhiễm không khí xếp thứ 3. Hít phải khí ô nhiễm thời gian dài làm tăng tính nhạy cảm của phổi với virus, gây tổn hại các chức năng của hệ thần kinh, hệ tim mạch và hệ nội tiết,...

Ngoài việc tránh tiếp xúc với các yếu tố tăng nguy cơ ung thư phổi trên, chuyên gia còn nhấn mạnh tầm quan trọng việc phát hiện sớm dấu hiệu ung thư. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa tích cực đến hiệu quả điều trị.

Dấu hiệu ung thư phổi thường gặp nhất là tức và đau ngực. Tình trạng đau diễn ra không đều, dai dẳng ở vai, ngực và lưng.

Bệnh nhân cũng có triệu chứng hụt hơi, khó thở, thở khò khè và khàn giọng; ăn không ngon, giảm cân không rõ nguyên nhân; viêm phổi và viêm phế quản thường xuyên tái phát,...

Định Tâm (Theo ABLW)